Trang 1 của 5 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 49
  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0

    Julius Caesar hay Augustus Caesar

    * Gaius Julius Caesar chinh phạt Gallia, đè nát cuộc khởi nghĩa của vị anh hùng xứ Gaul Vircingetorix, cùng với Pompeius và Crassus lấn át Nguyên Lão Viện La Mã và lập ra thế Tam Hùng (Triumvirate) khống chế chính trường và quân sự của đế quốc La Mã; sau lại đánh bại Pompeius (Crassus chết trận ở Syria trước khi nội chiến nổ ra), thu hết quyền lực về tay mình. Julius Caesar nắm trong tay quân đội, lại được đông đảo quần chúng ủng hộ, được Nguyên Lão Viện trao cho danh hiệu Quan Chấp chính (Consul) suốt đời.

    Nhưng Julius Caesar coi thường truyền thống Cộng hòa, chỉ định các chứ Quan Chấp chính và các chức vụ khác mà không thông qua Nguyên Lão Viện, tự đúc tượng của mình và đặt vào ngang hàng với các vua (tyrant) của La Mã và có ý định muốn nhận lấy danh hiệu vua này - mặc dù đã được Nguyên Lão Viện trao cho danh hiệu Độc tài suốt đời (Dictator Perpetuus). Kết quả là Julius Caesar bị các thành viên đối lập trong Nguyên Lão Viện La Mã ám sát trước khi có thể nắm lấy danh hiệu ấy.


    * Gaius Octavianus Caesar là cháu trai và là người thừa kế (tài sản và danh hiệu) của Julius Caesar. Octavianus chỉ nổi lên sau cái chết của Caesar. Trở về La Mã từ Illyria (bây giờ thuộc Croatia), Octavianus mới 18 tuổi và bị các thành viên lão thành trong Nguyên Lão Viện cũng như các tướng tá của Caesar coi thường. Tuy nhiên, nhờ được thừa hưởng danh tiếng của Caesar và tài năng của chính mình, Octavianus dần dà thu phục được nhiều binh tướng cũ của Caesar về dưới trướng mình. Octavianus sau đưa quân vào La Mã buộc Nguyên Lão Viện trao cho mình chức Quan Chấp chính đồng thời phải tôn Julius Caesar lên làm thần (Divus Iulius). Octavianus, cùng với 2 tướng khác của Caesar là Marcus Antonius và Marcus Lepidus, lập ra thế Tam hùng (Triumvirate) lần thứ hai. Khác với thế Tam hùng lần thứ nhất của Julius Caesar, một thế Tam hùng có giá trị trên thực tế nhưng không có giá trị trên danh nghĩa (không được luật pháp thừa nhận), Nguyên Lão Viện (đang bị con dao của Octavianus kề ngang cổ) chính thức thừa nhận thế Tam hùng của bộ ba Octavianus-Antonius-Lepidus. Sau khi thế Tam hùng được Nguyên Lão Viện công nhận, Octavian và Anthony tiến quân đánh bại phe đối lập - những kẻ đã ám sát Julius Caesar - ở Macedonia, và đế quốc La Mã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của bộ ba trên.

    Trong khi Mark Anthony đang thông dâm với nữ hoàng Ai Cập Cleopatra ở Alexandria, Octavian ở La Mã ngày qua ngày diệt trừ hết các đối thủ chính trị của mình, trong đó có cả vợ (Fulvia) và anh trai (Lucius Antonius) của Anthony. Octavian còn thâu tóm toàn bộ quân đội và quyền lực của Lepidus vào tay mình: Lepidus bị Octavian cáo buộc có mưu đồ kích động nổi loạn ở đảo Sicily, bị bắt giữ, và lưu đày.

    Cho đến lúc này, kẻ địch duy nhất còn lại của Octavian là Mark Anthony và vợ ông ta, nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập. Ở phía Đông, các chiến dịch xâm lăng Parthia của Anthony chỉ toàn dẫn đến thất bại. Vị tướng này cũng hết lòng hết sức say đắm Cleopatra, một nữ hoàng ngoại quốc. Ở La Mã, Octavian xây dựng cho mình 1 mạng lưới đồng minh vững chắc trong giới quý tộc La Mã - các thành viên của Nguyên Lão Viện - và bắt đầu cuộc chiến tranh tuyên truyền chống lại Anthony. Octavian mắng Anthony là kẻ vô đạo đức - kẻ đã bỏ rơi vợ mình (lúc này là chị gái của Octavian) và con cái ở La Mã để chạy theo vị nữ hoàng lăng loàn của Ai Cập - cùng nhiều tội khác, nhưng trong đó, quan trọng nhất là tội "trở thành dân bản địa (Ai Cập)" một tội không thể tha thứ trong mắt người La Mã.

    Những cáo buộc của Octavian thật ra không phải không có căn cứ: Mark Anthony nhiều lần từ chối không trở về La Mã theo lệnh triệu tập của Nguyên Lão Viện mà ở lại Alexandria. Anthony cũng tổ chức Lễ Khải Hoàn sau chiến thắng trước vương quốc Armenia ở Alexandria thay vì ở La Mã. Cuối cùng là Anthony để lại di chúc chi sẻ đất đai của mình cho những người con chung giữa Anthony và Cleopatra, đồng thời cũng tấn công Octavian bằng việc tuyên bố Caesarion - con trai của Julius Caesar và Cleopatra - mới là người thừa kế chính thức của Caesar và rằng Octavian đã làm những giấy tờ giả để cướp lấy quyền này từ Caesarion.

    Cuộc đối đầu lên tới đỉnh cao và bùng nổ thành chiến tranh khi Octavian, lúc này đã không chế Nguyên Lão Viện, ghép tội phản quốc cho Anthony vì các tội danh: chiếm giữ đất đai bất mà không có sự đồng ý của Nguyên Lão Viện và gây chiến với nước ngoài (Armenia và Parthia) mà không có sự đồng ý của Nguyên Lão Viện. Octavian xuất quân đánh Marc Antony và chiến thắng, không những thu phục các tỉnh phía đông của La Mã mà còn chiếm luôn và sát nhập Ai Cập vào La Mã. Marc Antony và Cleopatra phải tự sát, Caesarion bị ám sát.

    (còn tiếp)

  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Thực ra cho đến lúc này, những gì Octavian đã đạt được chẳng hơn được Caesar. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo mới chính là lý do vì sao Sol nghĩ rằng Octavian tài ba hơn Caesar:

    Sau chiến thắng ở Ai Cập, Octavian trở về La Mã và được bầu làm Quan Chấp chính. Vài năm sau, Octavian chủ động đề nghị trao hết quyền lực lại cho Nguyên Lão Viện. Nhưng điều này lại "làm" các công dân La Mã phẫn nộ. Họ đòi Nguyên Lão Viện phải giữ Octavian lại. Kết quả là Octavian "phải" nhận quyền điều hành đế quốc "theo lệnh" của Nguyên Lão Viện. Điểm đầu tiên trong cuộc thỏa hiệp lần thứ nhất giữa Octavian và Nguyên Lão Viện.
    Nguyên Lão Viện La Mã cũng trao cho Octavian danh hiệu Công dân thứ nhất (princeps) và Vĩ nhân (Augustus). Augustus thật ra không phải là 1 chức vụ chính trị, không hề được quy định trong hiến pháp La Mã, là 1 danh hiệu tôn giáo, bước đầu khẳng định quyền lực của Octavian - lúc này đã gọi là Augustus - đã vượt khỏi phạm vi của Hiến pháp. Nguyên Lão Viện ngoài ra cũng trao cho Augustus nhiều đặc quyền về hình thức khác.

    Vài năm sau, một cuộc thỏa hiệp khác được tiến hành. Lần này Augustus lại từ chức Quan Chấp chính, chỉ giữ lại quyền chỉ huy quân đội (imperium), kết quả là... Nguyên Lão Viện lại thông qua một đạo luật, dù không trao cho Augustus một danh hiệu nào cả, nhưng lại giao cho ông ta các quyền: triệu tập nhân dân và Nguyên Lão Viện bất cứ khi nào muốn, phủ quyết tất cả các đạo luật của Nguyên Lão Viện, giám sát đạo đức của quần chúng, diễn giải luật pháp theo ý mình, và bổ nhiệm, cắt chức các nghị viên. Từ khi người La Mã lật đổ các vua của mình đến lúc này, chưa một ai nắm được các quyền đó cả, kể cả Julius Caesar.

    Và cuối cùng là Augustus được giao các danh hiệu (kèm quyền lực) imperium: imperium proconsulare maius. Augustus chính thức nắm quyền chỉ huy mọi binh đoàn của La Mã, và quyền can thiệp và phủ quyết tất cả mọi quyết định của các thống đốc các tỉnh của La Mã - một quyền mà trước nay chỉ có Nguyên Lão Viện mới có.

    Lúc này, quyền lực của Augustus đã chẳng khác gì quyền lực của 1 hoàng đế phương Đông. Cái duy nhất mà Augustus không có là cái danh hiệu "vua" (tyrant) mà thôi. Tuy nhiên, từ đây trở đi, các từ "Caesar" và "Imperium" đã trở thành hoàng đế (Czar và Emperor), riêng từ Augustus đối với La Mã và sau này là Byzantine mang ý nghĩa là "hoàng đế vĩ đại." Xét về mức độ huy hoàng thì từ Augustus, Caesarm hay Emperor - hoàng đế của 1 đế quốc lớn - nay đã bỏ xa từ tyrant - vua của 1 thành bang nhỏ.

    Vậy người La Mã đã tự tạo ra cho mình 1 hoàng đế mà không hề hay biết, họ còn tôn sùng ông ta như là 1 công dân gương mẫu của nền Cộng hòa La Mã.

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Tôi ấn tượng với câu nói của Augustus: "Ta nhận một Rome bằng gạch đá và trả lại một Rome bằng cẩm thạch." Tôi cho rằng dưới thời Augustus thì La Mã đã đạt đến đỉnh cao của nó.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Julius là người xây, Agustus là người gặt. Julius giỏi hơn. Nếu muốn so sánh với Julius thì phải lấy những vị hoàng đế vất vả giữ vững La Mã như Trajan, Hadrian kìa.

  5. #5
    Ngày tham gia
    Mar 2016
    Bài viết
    0
    Octavius là một nhà chính trị tài ba, sáng suốt và tỉnh táo-về điểm này có thể Ceasar ko bằng ông ta, nhưng nếu ko có cái chết của Caesar làm tấm gương thì chắc gì Octavius đã khôn ngoan được như vậy?
    Nếu phải chọn một chính trị gia, một nhà cầm quân có hùng tài đại lược, một người có thể thay đổi cả thế giới La Mã thì đương nhiên ko thể là ai khác ngoài Ceasar.

  6. #6
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    "Cái gì của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar " câu nói này sẽ ko bao giờ bị lãng quên , tên tuổi của Julius Ceasar cũng vậy , Julius Ceasar cũng là một trong những danh tướng vĩ đại của thế giới , còn Octavius cũng có tài nhưng cũng thừa hưởng danh tiếng từ Julius , thử hỏi nếu ko có người chú như vậy liệu Octavius có thể tự mình làm nên sự nghiệp ko ? Theo tui đúng là chỉ có thể so sánh Ceasar với các Hoàng đế khác của La Mã hoặc Alexander và Napoleon .

  7. #7
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Julius là người xây, Agustus là người gặt. Julius giỏi hơn. Nếu muốn so sánh với Julius thì phải lấy những vị hoàng đế vất vả giữ vững La Mã như Trajan, Hadrian kìa.
    La Mã không phải được xây dựng bởi Caesar mà là bởi nhiều người đi trước Caesar nữa (khác với đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn hay đế quốc của Alexander), trong khi đó, Trajan và Hadrian đều được thừa hưởng 1 chính quyền quân chủ tập trung và 1 nền Thái bình La Mã (Pax Romana) do Augustus xây lên, do đó không thể sánh với Augustus được.


    Octavius là một nhà chính trị tài ba, sáng suốt và tỉnh táo-về điểm này có thể Ceasar ko bằng ông ta, nhưng nếu ko có cái chết của Caesar làm tấm gương thì chắc gì Octavius đã khôn ngoan được như vậy?
    Nếu phải chọn một chính trị gia, một nhà cầm quân có hùng tài đại lược, một người có thể thay đổi cả thế giới La Mã thì đương nhiên ko thể là ai khác ngoài Ceasar.
    - Đánh thắng quân thù ngoài biên giới với đánh thắng kẻ thù trong nội bộ, và đặc biệt là đắng thắng cả truyền thống mấy trăm năm của đất nước thì cái sau đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ hơn.
    Augustus có cái lợi là được thừa hưởng danh tiếng từ Caesar, nhưng nếu không phải do tài năng của ông ta thì làm sao có thể thâu tóm được hết quyền lực ở La Mã vào tay mình, điều mà Caesar không làm nổi.
    Có một điều các bạn nên nhớ, khác với dân chúng phương Đông có truyền thống cuối đầu vâng phục hoàng đế, người La Mã với truyền thống Cộng hòa lại khác hẳn. Do đó bình định được các ý tưởng đối lập để trở thành Hoàng đế là 1 điều cực kỳ khó khăn. Trên thế giới có bao nhiêu nhà lãnh đạo làm được điều này mà còn toàn mạng đâu (ngoài Augustus thì chỉ có Bonaparte).
    - Caesar đem Gallia về cho La Mã thì Augustus cũng đem Ai Cập, còn giàu có hơn Gallia, về thành 1 tỉnh của đế quốc.
    - Điều đáng thán phục là Augustus có thể vượt qua được niềm kiêu hãnh của bản thân để có thể "lừa dối" nhân dân mà trở thành hoàng đế. Chiến thắng bản thân khó khăn hơn chiến thắng quân thù chứ.


    "Cái gì của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar " câu nói này sẽ ko bao giờ bị lãng quên , tên tuổi của Julius Ceasar cũng vậy , Julius Ceasar cũng là một trong những danh tướng vĩ đại của thế giới , còn Octavius cũng có tài nhưng cũng thừa hưởng danh tiếng từ Julius , thử hỏi nếu ko có người chú như vậy liệu Octavius có thể tự mình làm nên sự nghiệp ko ? Theo tui đúng là chỉ có thể so sánh Ceasar với các Hoàng đế khác của La Mã hoặc Alexander và Napoleon .
    - Câu nói "Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar" là nói về Augustus chứ không phải về Julius Caesar. Câu này nói bởi Jesus, Jesus sống dưới thời Augustus (Jesus sinh ra 14 năm sau khi Augustus thâu tóm quyền lực ở La Mã). Do đó nó ám chỉ rằng Augustus là người chủ của thế giới trần tục.
    * Augustus cũng nhận mình là Caesar - giống như mọi hoàng đế La Mã sau đó.
    - Augustus đúng là thừa hưởng nhiều từ Caesar, nhưng không thể phủ nhận tài năng của ông ta được. Nên nhớ Augustus đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực, không 1 người trần mắt thịt nào có thể làm hơn được nữa.
    - Như trên đã nói, các hoàng đế La Mã khác, Hadrian và Trajan chẳng hạn, đều thừa hưởng 1 đế quốc thái bình và 1 nền chính trị ổn định, tập quyền từ tay Augustus, họ không thể làm gì hơn những việc Augustus đã làm được.
    - Alexander đại đế để lại 1 đế quốc sụp đổ ngay sau khi ông mất. Augustus để lại mộ đế quốc tồn tại thêm 500 năm, và 1 hậu duệ - Byzantine - tồn tại thêm 1000 năm sau đó.

  8. #8
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0

    Alexander đại đế để lại 1 đế quốc sụp đổ ngay sau khi ông mất. Augustus để lại mộ đế quốc tồn tại thêm 500 năm, và 1 hậu duệ - Byzantine - tồn tại thêm 1000 năm sau đó.
    Cái này thì không nên so sánh. Như đã nói La Mã có lich sử phát triển lâu dài hơn Macedonia của Alexander, vả chăng Alexander chết khi còn quá trẻ.

  9. #9
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0

    La Mã không phải được xây dựng bởi Caesar mà là bởi nhiều người đi trước Caesar nữa (khác với đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn hay đế quốc của Alexander), trong khi đó, Trajan và Hadrian đều được thừa hưởng 1 chính quyền quân chủ tập trung và 1 nền Thái bình La Mã (Pax Romana) do Augustus xây lên, do đó không thể sánh với Augustus được.
    Vấn đề ko phải là so sánh về những công trình để lại cho hậu thế, vấn đề là tài năng của ai hơn.

    Augustus có cái lợi là được thừa hưởng danh tiếng từ Caesar, nhưng nếu không phải do tài năng của ông ta thì làm sao có thể thâu tóm được hết quyền lực ở La Mã vào tay mình, điều mà Caesar không làm nổi
    Quyền lực thực tế của La Mã đã thuộc về Caesar từ lâu, ông ta thực chất đã trở thành một vị hoàng đế với quyền lực tối thượng, đáng tiếc chỉ vì quá tự kiêu vào phút cuối mà chuốc lấy thất bại lãng nhách.

    - Đánh thắng quân thù ngoài biên giới với đánh thắng kẻ thù trong nội bộ, và đặc biệt là đắng thắng cả truyền thống mấy trăm năm của đất nước thì cái sau đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ hơn.

    - Điều đáng thán phục là Augustus có thể vượt qua được niềm kiêu hãnh của bản thân để có thể "lừa dối" nhân dân mà trở thành hoàng đế. Chiến thắng bản thân khó khăn hơn chiến thắng quân thù chứ.
    Nếu ko có cái chết của Caesar cảnh tỉnh thì liệu ông ta có khôn ngoan được như vậy ko? Tin rằng nếu đổi ngược lại vị trí giữa Caesar và Octavius thì ắt Caesar cũng sẽ hành động như Octavius đã làm.

    Caesar đem Gallia về cho La Mã thì Augustus cũng đem Ai Cập, còn giàu có hơn Gallia, về thành 1 tỉnh của đế quốc.
    Ai Cập thực chất đã thuộc về La Mã từ thời Caesar, cái mà Augustus làm chỉ là hợp thức hóa điều đó trên danh nghĩa.

    Augustus để lại mộ đế quốc tồn tại thêm 500 năm, và 1 hậu duệ - Byzantine - tồn tại thêm 1000 năm sau đó.
    Người lập nên và giữ cho đế quốc La Mã hùng mạnh, tồn tại lâu dài ko chỉ có mình Augustus. Và người đã tạo tiền đề cho sự thống nhất đó chính là Caesar.

  10. #10
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0

    Vấn đề ko phải là so sánh về những công trình để lại cho hậu thế, vấn đề là tài năng của ai hơn.
    Và biểu hiện chính xác nhất của tài năng là những công trình để lại cho hậu thế.


    Quyền lực thực tế của La Mã đã thuộc về Caesar từ lâu, ông ta thực chất đã trở thành một vị hoàng đế với quyền lực tối thượng, đáng tiếc chỉ vì quá tự kiêu vào phút cuối mà chuốc lấy thất bại lãng nhách.
    Thất bại của Caesar thật ra không phải "lãng nhách" chút nào. Nó là thể hiện của chiến thắng của truyền thống - cái tưởng như là bất tử - trước cá nhân - cái hữu hạn. Augustus đảo ngược điều này.


    Nếu ko có cái chết của Caesar cảnh tỉnh thì liệu ông ta có khôn ngoan được như vậy ko? Tin rằng nếu đổi ngược lại vị trí giữa Caesar và Octavius thì ắt Caesar cũng sẽ hành động như Octavius đã làm.
    Một điều mà các bạn trên forum này thường mắc phải: đặt ra những giả thiết không tồn tại và sử dụng nó để đánh giá thực tế.
    Thực tế lịch sử cho thấy rằng: đến cuối ngày, Augustus
    - Hoặc là không cần học thất bại của Caesar mà cũng tự luận ra cái cần làm.
    - Học thất bại của Caesar mà nghiệm ra được điều cần làm.
    Thì cũng dẫn đến 1 sự thật là Augustus cò những kiến thức chính trị uyên bác mà Caesar không có.
    Và vì vậy dẫn đến kết quả là Augustus trở thành hoàng đế và một vị thần sống của La Mã. Còn Caesar bỏ mạng và trở thành 1 vị thần chết.


    Ai Cập thực chất đã thuộc về La Mã từ thời Caesar, cái mà Augustus làm chỉ là hợp thức hóa điều đó trên danh nghĩa.
    Ai Cập là 1 chư hầu của La Mã từ trước Caesar, giống như Đại Việt với Thiên Triều; đến Augustus Ai Cập mới trở thành một tỉnh, giống như Giao Chỉ với Thiên Triều. Đây là 1 khác biệt lớn.


    Người lập nên và giữ cho đế quốc La Mã hùng mạnh, tồn tại lâu dài ko chỉ có mình Augustus. Và người đã tạo tiền đề cho sự thống nhất đó chính là Caesar.
    Sau khi Caesar chết, La Mã bị phân chia thành các thế lực khác nhau của Octavian, Lepidus, Antonius, và Nguyên Lão Viện. Không có Augustus thì liệu La Mã có thống nhất được không?
    Augustus sau khi chết để lại một đế quốc hùng mạnh và thống nhất, cùng một vị trí có quyền lực vô hạn mà chưa có 1 người La Mã nào nắm được. Tiberius, người kế thừa Augustus, phải nài xin Nguyên Lão Viện thu hồi bớt quyền lực vì ông ta không kham nổi. Đến phiên mình, Nguyên Lão Viện cũng bối rối không biết xử trí ra sao.


    Người lập nên và giữ cho đế quốc La Mã hùng mạnh, tồn tại lâu dài ko chỉ có mình Augustus. Và người đã tạo tiền đề cho sự thống nhất đó chính là Caesar.
    Quả thật La Mã hùng mạnh được là nhờ nhiều hoàng đế và các chính trị gia và tướng lãnh tài giỏi.
    Tuy nhiên, người tạo tiền đề cho sự thống nhất, người tạo ra cái gọi là Đế quốc La Mã, chính là Augustus chứ không phải Caesar. Caesar chẳng thay đổi được gì hệ thống chính trị của La Mã. Trước Caesar La Mã là cộng hòa, sau Caesar La Mã vẫn là cộng hòa. Trước Caesar La Mã bị cắt xẻ bởi các thế lực khác nhau, sau Caesar La Mã vẫn bị chia năm xẻ bảy bởi các tướng quân. Khi nhìn khía cạnh này, Caesar thật ra không hơn được Alexander Đại đế.
    Augustus hơn được cả hai. Mặc dù Augustus không để lại các thành tích quân sự lừng lẫy như Caesar hay Alexander, nhưng trước ông ta, La Mã là 1 nền cộng hòa chia năm xẻ bảy, sau ông ta, La Mã là một đế quốc quân chủ tập quyền thống nhất.
    Đúng như lời Augustus nói "Ta nhận một Rome bằng gạch đá và trả lại một Rome bằng cẩm thạch." Ông nhận 1 La Mã rối loạn và để lại 1 đế quốc ngăn nắp, trật tự.
    Cái "Đế quốc La Mã" mà ta nói đến là sản phẩm của Augustus, là cái quốc gia dưới quyền của Augustus. Và cái danh hiệu "Hoàng đế Caesar" là để chỉ Octavianus Caesar chứ không phải Julius Caesar.

    Tóm lại: Augustus không phải là một nhà chinh phạt nhưng ông ta là một người xây dựng đế chế.
    Cái mà Caesar đạt được là cái có sẵng (đất đai, quyền lực), cái Augustus đạt được là cái hoàn toàn mới (một hệ thống chính trị mới và một đế quốc mới)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •