Cảnh vệ, anh là ai?


Cận vệ hai nước luôn đi kèm nữ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil
-Để trở thành một người lính bảo vệ yếu nhân, việc tuyển chọn con người có tố chất phù hợp là khâu quyết định. Tiếp đến là công tác đào tạo trong môi trường hết sức gian khổ nhằm tôi luyện sức chịu đựng cùng huấn luyện những kỹ năng đặc biệt. Sau cùng là giai đoạn thử thách khắc nghiệt mất nhiều năm trước khi vào vai một chiến sĩ bảo vệ tiếp cận (cận vệ) thực thụ.

Chân dung lính cảnh vệ

Khó khăn như vậy, nhưng "tuổi đời" nghề cận vệ không cao, thường chỉ kéo dài từ 8 -12 năm. Đội ngũ cận vệ Việt Nam hiện nay có độ tuổi trung bình khá cao. Trung tá Bùi Hữu Thọ không ngần ngại nói: "Theo quy chế mới đang bắt đầu áp dụng, lính cận vệ phải dưới 35 tuổi. Những người ngoài tuổi 40 như chúng tôi đã thành lính già rồi". Thế nhưng Bùi Hữu Thọ hiện vẫn đang là gương mặt sáng giá. Bằng kinh nghiệm từng trải và nghiệp vụ tinh thông, anh luôn có mặt trong mũi xung kích tiếp cận các khách VIP quốc tế nổi tiếng.

Đội trưởng Nguyễn Hồng Quang 45 tuổi, đã có 24 năm trong nghề. Con đường anh đi thật nhiều chông gai. Những năm kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, gác lại ước mơ vào đại học, anh dự tuyển sơ cấp nghiệp vụ cảnh vệ. Khi ra trường bổ sung về đơn vị, anh có cả chục năm làm người lính gác đêm thầm lặng. Nhiều đồng đội không chịu được áp lực xin xuất ngũ hoặc chuyển ngành. Riêng anh luôn nhẫn nại, phấn đấu tốt nghiệp đại học an ninh và không ngừng rèn luyện. Có được vị trí như ngày hôm nay, phụ trách đội bảo vệ tiếp cận thiện chiến là một quá trình thử thách lâu dài.


Chủ tịch Raul Castro thăm TP.HCM

Từ một đội phó tiếp cận chuyển sang làm đội trưởng tham mưu, trung tá Nguyễn Hữu Liệu là một gương mặt còn khá trẻ. Với giọng nói tiếng Anh rất chuẩn, anh là người cận vệ luôn sâu sát và gây nhiều thiện cảm. Được đưa đi tu nghiệp tại Trung Quốc, anh cho biết đã nghiên cứu tiếp thu rất nhiều cái hay từ chuyên môn của bạn để bổ sung cho nghiệp vụ của mình. Đó là việc xây dựng các mô hình như thật để xử lý các tình huống sát với thực tế. Từ chống khủng bố đến xử lý các vụ bạo động đều theo quy trình, làm sao giảm thiểu thiệt hại và ổn định tình hình nhanh nhất. Ở Học viện Cảnh sát Thượng Hải, anh còn được dự thính một buổi trao đổi kinh nghiệm do các sĩ quan FBI Mỹ hợp tác với bạn tổ chức tập huấn.


Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gutierrez trên tàu tốc hành

Số cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh vệ được cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm với các nước ngày càng nhiều. Đó là những nước có quan hệ truyền thống như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Học từ công tác tham mưu (tác chiến) đến nghiệp vụ chuyên ngành, bắn súng và võ thuật. Nằm trong nhóm 11 người qua Hàn Quốc dự học lớp tổng hợp tiếp cận nâng cao, Xuân Anh công tác tại đội 3 chuyên bảo vệ yếu nhân trong nước cho biết: "Cái mới nhất mà chúng tôi học được là kỹ năng đội hình. Đó là nghệ thuật che chắn chống bắn tỉa hoặc kẻ quá khích tấn công, từ đội hình cơ bản đến đội hình kim cương, đội hình kiên cố và cả đội hình xe di chuyển".

Cảnh vệ Việt Nam cũng có nhiều độc đáo đáng mặt cho các nước qua học hỏi. Có rất nhiều thư cảm ơn, bày tỏ sự khâm phục và đề nghị phía chúng ta chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt có đoàn cán bộ cao cấp Lào đang học kỹ thuật và nghiệp vụ do cảnh vệ giảng dạy. Phía Campuchia cũng cử nhiều học viên qua học tập, tính đến nay đã có hơn 11 khóa đào tạo.


Kỹ thuật mở cửa xe cho VIP

Trang bị kỹ thuật của lực lượng cảnh vệ luôn được chú trọng nâng cấp, có thể nói là ngang tầm với khu vực, thậm chí một số thiết bị còn hiện đại hơn. Có thể kể như máy soi chiếu hiện đại, máy ngửi chất nổ, máy dò chất phóng xạ, phòng hóa nghiệm phân tích thức ăn và nước uống, chó nghiệp vụ phát hiện chất nổ… Thiết bị cơ động có xe chuyên dụng soi chiếu, xe phá sóng điện từ, dàn xe tiếp cận bọc thép chống đạn có gắn camera đặc chủng chạy tốc độ cao trên mọi địa hình…

Chuyện bây giờ mới kể

Công tác cận vệ trên nguyên tắc không hỏi han, trò chuyện với yếu nhân. Nhưng đôi khi các vị hỏi về đời sống kinh tế, văn hóa thì phải có đủ kiến thức để trả lời cho đúng. Còn phải thường xuyên tìm hiểu tôn giáo, tập tục các nước để tránh xung đột văn hóa trong giao tiếp. Như tại hội nghị ASEM 5, ông Ban Ki-moon tham dự với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ngồi trên xe ông hỏi rất nhiều về chuyện sinh hoạt ở thành phố. Ông còn biết hát một bài ca về TP.HCM, và còn nói nếu có cơ hội sẽ quay lại đây một lần nữa. Chủ tịch Raul Castro lại là người rất vui tính, ông luôn gọi sĩ quan tiếp cận Nguyễn Hữu Liệu là "đồng chí Cuba" vì anh có vóc người cao lớn và nước da đen. Mỗi khi chụp hình ông thường kéo anh vào chụp chung, cứ như là "người nhà" gặp nhau vậy.


Kiểm tra an ninh tại hội nghị doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương

Lính cảnh vệ có một đặc tính là rất kín tiếng và khó gợi chuyện. Do đặc thù nghề nghiệp, họ luôn tâm niệm có nhiều bí mật phải "sống để bụng, chết mang theo". Những chuyện có thể nói được thì… bây giờ mới kể. Như có lần Bộ trưởng Công an Trung Quốc đến nghỉ tại khách sạn Palace, Vũng Tàu; ông rất thích bơi lội và thời trẻ từng là một vận động viên. Cùng với cận vệ riêng, ông bơi ra tận phao số 0, cảnh vệ ta theo nửa đường đuối sức phải gọi bộ đàm yêu cầu đưa ca-nô ra hộ tống. Một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc thăm nước ta có đến 11 sĩ quan cận vệ tháp tùng, trong đó có một cục phó. Ông ghé qua khu Vinpearl, Nha Trang tắm biển mà không sử dụng thiết bị cứu hộ. Mặc dù đã 60 tuổi nhưng ông bơi rất khỏe, ra xa bờ mấy trăm mét, ba cận vệ Trung Quốc và một cận vệ Việt Nam là trung tá Bùi Hữu Thọ bơi cùng tiếp cận đến mệt nhoài.


Luyện tập hằng ngày Ảnh: tư liệu

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, đại tướng Tea Banh khi đến nghỉ tại nhà khách chính phủ, buổi tối ông bắt taxi đi việc riêng không cho cảnh vệ ta đi kèm. Nhận tin, đại tá Trương Quang Khả liền chỉ đạo anh em bám theo, ngồi uống cà phê bên ngoài quan sát mọi động tĩnh mà không để vị khách khó tính biết được. Với Thủ tướng Hun Sen thì chiến sĩ cảnh vệ có nhiều ấn tượng nhất. Ông nói tiếng Việt rất sõi và luôn tỏ ra thân thiện với mọi người. Số cảnh vệ của ta tiếp cận ông nói tiếng Campuchia rất giỏi và ai cũng có nước da đen xì do thường xuyên tập luyện ngoài trời nắng nóng, nên khi tháp tùng luôn bị các cô lễ tân lầm là người Campuchia chính hiệu!

Đại tá Đào Quang Sử, phó tư lệnh cảnh vệ có một kỷ niệm nhớ đời. Đó là lần anh tham gia bảo vệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên chính phủ qua thăm chính thức Indonesia theo thông lệ ngoại giao. Tại Jakarta, đoàn Việt Nam được bố trí tại một khách sạn cao tầng, riêng Thủ tướng ở lầu 28. Đại tá Sử nhớ lại: "Khi quan sát hiện trường, tôi nói ngay với anh em rằng ở cao quá như vầy nhỡ có động đất thì sao?". Ngay trong đêm đã xảy ra động đất, tình trạng thật hỗn loạn, khách nước ngoài ôm đầu chạy xuống thoát thân. "Tôi cùng anh em cảnh vệ của ta từ lầu 26 chạy bộ ngược lên, nhanh chóng ổn định vị trí, đề phòng kẻ xấu lợi dụng lúc lộn xộn đột nhập, đồng thời lên phương án sơ tán", Đào Quang Sử kể lại cách xử lý tình huống trong điều kiện cực kỳ căng thẳng. Cũng may đó chỉ là cơn dư chấn nhẹ, không gây thiệt hại gì nhiều. Chuyến đi thăm của Thủ tướng một vòng qua 5 nước ASEAN đã kết thúc an toàn, tốt đẹp.