Hai vấn đề then chốt trong giải quyết nghi án lịch sử "Đặng Tiến Đông".
Trúc Diệp Thanh (Hà Nội) .
LNĐ: Sách sử chép về Tây Sơn cho đến những năm 70 thế kỷ XX không hề có tên “Đô đốc Đặng Tiến Đông”.Cho đến năm 1973s,qua phát hiện và khai thác các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội),GS Phan Huy Lê (GS PHL) đã phát hiện “Đô đốc Đăng Tiến Đông thuộc Đặng tộc ở Lương Xá chính là Đô đốc Long vị tướng Tây Sơn chỉ huy đánh tháng quân Thanh ở trận Đống Đa tiến trước vào Thăng Long ngày 5 Tết năm Kỷ Dậu (1789)”.Từ đó tên Đô đốc Đặng Tiến Đông đã thay thế tên Đô đốc Long trong sử sách,trong bảo tàng,trong đặt tên đường phố,được giới thiệu trên các thư viện,từ điển danh nhân thế giới…Song từ năm 1999s,cũng qua khai thác các di bản đời Tây Sơn GS PHL đã sử dụng,một số nhà khoa học xã hội (Đỗ Văn Ninh,Trần Văn Quý,Lê Trọng Khánh…) đã có bài phân tích trên công luận cho rằng: kết luận”Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long” của GS PHL chỉ mới là “giả thuyết” và là một giả thuyết thiếu căn cứ khoa học.Các di bản trên không nói về Đô đốc Long mà nói về Đô đốc Đặng Tiến Giản,vị đại tướng Tây Sơn giúp Nguyễn Huệ tiêu diệt phản nghich Nguyên Hửu Chỉnh ở Thăng Long vào đầu năm Mậu Thân(1788). Nghi án lịch sử trên đã tồn tại hơn một thập kỷ gây nhiều dư luân không tốt cho ngành sử học VN nhưng chưa được xử lý dứt điểm.Bài viết dưới đây hy vọng góp một tiếng nói giúp giới sử học VN làm sảng tỏ nghi án trên.


Môt là:tên của Đặng Đô đốc bằng chữ Hán trong Sắc phong(có đóng dấu kiềm) cũng như trong gia phả,trong văn bia,tiếng Việt đọc là Đông hay Giản? Trước đây GS Phan Huy Lê cũng đã từng giải thích về cách đọc tên ông như sau:”Chữ Hán“Đông”(chữ Đông kèm bộ nhật) và“Giản”(chữ Giản kèm bộ nhật) tự dạng gần giống nhau(chữ Đông có gạch ngang còn chữ Giản có 2 nháy.LN) nên có người viết nhầm hay có người tra cứu không thấy chữ Đông (chữ Đông kèm bộ nhật) trong từ điển mà chữa thành chữ Giản.Đó là trường hợp của “Tây sơn thuật lược”. Ngay trong gia phả họ Đặng cũng có chỗ viết Đông,có chỗ viết Giản. Ngay tên sách chép vào đầu mỗi quyển thì quyển 2,4,5 chép tên tác giả là Đông nhưng quyển 3,6 lại chép là Giản”. .

Đúng như GS Phan Huy Lê nhận xét:bộ “Đặng gia phả hệ toản chính thực lục”.(gọi tắt là Đặng tộc phả) do chính Đặng Đô đốc biên soạn gồm 6 quyển nhưng tên của bản thân tác giả chép trên sách thì có nơi là chữ Giản(chữ Giản kèm bộ nhật) có nơi lại viết chữ “Đông kèm bô nhật”,GS PHL đọc chữ này là “Đông”.Điều đáng lưu ý như chính GS PHL xác nhận là chữ Giản có thể tìm thấy trong từ điển còn chữ Đông (chữ Đông kèm bộ nhật) thì không tìm thấy trong từ điển.Thử hỏi một chữ không có trong từ điển thì căn cứ vào đâu để đọc chữ đó là Đông? Điều mà hậu thế khó giải đáp là vì sao tên của chính mình mà tác giả bộ Đặng tộc phả lại chép bằng 2 chữ khác nhau?Thực ra câu hỏi trên đã được chính tác giả giải thích ngay trong bộ phả do ông biên soạn từ cuối thế kỷ 18 (khoản năm 1792) .

Tại trang cuối quyển 6 chép về Dận Quận công Đặng Đình Miên - thân phụ của Đặng Đô đốc,tác giả đã có câu tự giới thiệu: (Phiên âm):”Mậu Ngọ niên,ngũ nguyệt sơ nhị, Quý Sửu thì,sinh đệ bát tử “Đông” hậu cải Giản dĩ tự vưng vân trùng âm tích vũ chi hậu hốt kiến nhật sắc cố tri danh yên”. (Dịch nghĩa): “Năm Mậu Ngọ (tức 1738-TDT),tháng 5,ngày 2,giờ Quý Sửu sinh con trai thứ 8 (của Dận quận công-TDT)),lúc sinh đặt tên“Đông”(東) sau đổi tên “Giản” (暕) lấy theo định nghĩa chữ Giản là: ánh mặt trời xuất hiện sau thời tiết mây mù tích mưa,cho nên đặt tên như thế”.Từ điển chữ Hán hiện đại có chữ Giản(暕) với định nghĩa khác nhau nhưng thống nhất giải thích là”:minh lượng”(một dạng ánh sáng) riêng cuốn Từ Hải (Nxb Thượng Hải-1989) chữ Giản có định nghĩa:”trùng âm tích vũ hậu hốt kiến nhật sắc dã” y chang định nghĩa chữ Giản nêu trong Đặng tộc phả 200 năm về trước.Cũng cần biết thêm chữ Hán từ xưa đã có loại chữ giản thể, (cách viết đơn giản hóa một chi tiết trong chữ,ví dụ thay 2 nháy bằng một gạch ngang),một chữ nhưng có nhiều tự dạng khác nhau, ví dụ như chữ “thọ” có trên một chục chữ tự dạng khác nhau nhưng đều phải đọc là “thọ”.Tên của Đặng Đô đốc được chính tác giả viết với 2 tự dạng:một có sẵn trong từ điển (Giản) một là chũ Đông có kèm bô nhật không có trong từ điển, lẽ ra khi khảo cứu gia phả người đọc phải căn cứ vào chữ đã có trong từ điển để xếp chữ không có trong từ điển vào loại chữ giản thể để cùng đọc là Giản! .

Nhưng GS PHL lại làm ngược lại là chọn chữ không có trong từ điển để đọc là Đông nói cách khác là bắt buộc người đọc phải đọc chữ Giản có trong từ điển bằng chữ Đông vốn không có trong từ điển!Cũng có người cho rằng Đặng Đô đốc có 2 tên:Giản và Đông cùng được sử dụng trong khi biên soạn bộ Đặng tộc phả.Cách giải thích này cũng không hợp lý vì chính Đặng Đô đốc đã tự giới thiệu tên mình có định nghĩa là:ánh sáng mặt trời xuất hiện sau thời tiết mây mù tích mưa mà định nghĩa như trên trong từ điển chữ Hán hiện đại chỉ ứng vào chữ Giản không còn chữ nào khác có định nghĩa tương tự.Như vậy đúng theo di bản Đặng tộc phả thì 2 chữ :“giản kèm bô nhật” và “chữ đông kèm bộ nhật” Đặng đô đốc đã sử dụng khi chép tên của mình chỉ có thể đọc là “Giản”,trong Đặng tộc phả Đặng Đô đốc không chép nhầm,Tây Sơn thuật lược cũng không in nhẩm Sách giới thiệu Đô đốc Đặng Tiến Đông do Đặng tộc biên soạn giải thích:”Cụ tên là Đông, trước viết là 東 nghĩa là “phương Đông”,nay viết thêm bộ “Nhật” ở bên cạnh 暕nên có nghĩa là “mặt trời mọc ở phương Đông”(?) Cách giải thích trên không có trong bất cừ cuốn từ điển nào và cũng không trung thành với di bản của Đặng Đô đốc .

Hai là: Có phải” Đô đốc Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long” vị tướng Tây Sơn tài năng đã đánh thắng quân Thanh trên mặt trận Khương Thương-Đống Đa dịp Tết Kỷ Dậu(1789)? GS Phan Huy Lê nêu giả thuyết như trên từ việc phát hiện và khai thác các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá chủ yếu là từ một đoạn trong văn bia Tông đức thế tự bi GS trích dịch như sau:”Năm Mậu Thân,đầu đời Quang Trung (2 chữ Quang Trung bị đục) quan Bắc xâm chiếm nước Nam,ông (tức Đặng Tiến Đông-tg) phụng chiếu cầm đạo quân tiên phong,tiến đánh làm cho quân Bắc tan vỡ,ông một mình một ngựa tiến lên trước,dẹp yên nơi cung cấm…Vũ Hoàng đế vào Thăng Long,tiến hành khen thưởng,ban riêng cho ông xã quê hương là Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn…”

Nếu không tra cứu nguyên bản chữ Hán thì câu trích dẫn như trên hoàn toàn phù hợp với chiến công của Đô đốc Long trên thực tiễn lịch sử. Song khi tra cứu nguyên bản chữ Hán đoạn trên trong văn bia Tông đức thế tự bi thì không phải như vậy (tham khảo bài giải mã văn bia Tông đức thế tự bi kèm theo). Trên thực tế văn bia Tông đức thế tự bi ở chùa Thủy Lâm (Lương Xá) có niên đại Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) là tư liệu lịch sử quý hiếm còn sót lại từ đời Tây Sơn chép về công trạng của Đô đốc Đặng Tiến Giản tước Đông Lĩnh hầu,vị đại tướng Tây Sơn được Nguyễn Huệ giao cầm đạo tiên phong đánh ra Thăng Long cuối năm Đinh Vị/Mùi (1787) đầu năm Mậu Thân (1788) để trừng trị phản nghịch Nguyễn Hửu Chỉnh.Văn bia không có câu chữ nào nói Đặng Đô đốc tham dự trận đánh quân Thanh đầu năm Kỷ Dậu(1789). .

Cần biết thêm văn bia Tông đức thế tự bi do Phan Huy Ích biên soạn,Ngô Thì Nhậm nhuận sắc.Hai ông Phan, Ngô đều là danh sĩ nổi tiếng của Bắc Hà lại là nhân chứng từng chứng kiến cả ba lần Nguyễn Huệ đánh ra Thăng Long.Hai ông khắc văn bia Tông đức thế tự bi nhằm tưởng nhớ,ca ngợi Đặng Tiến Giản vào năm năm 1797, tức chưa tròn một thập kỷ kể từ trận đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789), nếu Đặng Tiến Giản là Đô đốc Long thì không có lý gì hai ông Phan Ngô bỏ qua trận năm Kỷ Dậu mà chỉ chép công trạng của Đặng Đô đốc trong trận đầu năm Mậu Thân (1788) vốn có ý nghĩa,tầm cở không thể so sánh bằng trận đại phá quân Thanh Tết năm Kỷ Dậu. .

Có thêm một bằng chứng lịch sử chứng minh công trạng như trên của Đặng Tiến Giản.Hơn 100 năm sau ngày có tầm bia đá ở chùa Thủy Lâm, vào cuối triều Nguyễn có cuốn “Tây Sơn thuật lược”(TSTL) bằng chữ Hán, cũng là cuốn sử duy nhất (sau văn bia Tông đức thế tự bi) có chép về công trạng Đô đốc Đặng Tiến Giản,tóm tắt như sau “Năm Đinh vị/Mùi (1787) Nguyễn Hửu Chỉnh được vua Lê Chiêu Thống tin dùng giao cho nắm binh quyền ở Bắc Hà.Gây được thực lực,thanh thế, Chỉnh mưu toan chống lại Nguyến Huệ bằng việc xúi dục vua Lê gửi quốc thư cho Huệ đòi lại đất Nghệ An.Huệ tức giận sai Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế,Đặng Giản nắm đạo tiên phong đánh ra Thăng Long-Giản là người Lương Xá,dòng dõi của Đặng Nghĩa Huấn (nguyên văn trong TSTL-LN) .Đầu năm Mậu Thân (1788) quân Tây Sơn tiến phạm Thăng Long bắt giết cha con Chỉnh,vua Lê chạy lên Hải Dương… Vũ Văn Nhậm được giao trấn Thăng Long,Đặng Giản trấn Thanh Hoa.Đến năm 1790 vua Quang Trung phái con thứ là Thùy (tức Nguyễn Quang Bàn-TDT) làm trấn thủ Thanh Hoa, điều Giản về Thăng Long làm Đại đô đốc coi giữ Đại thiên hùng binh…” Như vậy TSTL cũng chỉ chép Đặng Giản tham dự trận năm Mậu Thân (1788) sau đó làm trấn thủ Thanh Hoa cho đến năm 1790 về Thăng Long nắm giữ Đại thiên hùng binh, không có câu chữ nào nói đến Đặng Giản tham dự trận đại phá quân Thanh năm 1789!

Trong khi nêu giả thuyết“Đô đốc Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long” thì GS Phan Huy Lê chỉ nói công trạng của “Đặng Tiến Đông” trong trận đại phá quân Thanh dịp Tết năm Ký Dậu (1789) không nói Đặng Tiến Đông tham dự trận Tây Sơn đánh ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân (1788). Trong cuốn sách giới thiệu Đặng Tiến Đông (?) của Đặng tộc, tác giả biên soạn lại nói “Đặng Tiến Đông”lập công trong cả 2 trận đánh của Tây Sơn ra Thăng Long vào đầu năm Mậu Thân và đầu năm Kỷ Dậu.(?) Chép công trạng Đặng Đô đốc như trên vừa sai với thông điệp nói về công trạng Đặng Tiến Giản trong văn bia lại cũng không đúng với giả thuyết về “Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long” của GS Phan Huy Lê! Một tài liệu trong hệ thống phả của Đặng tộc biên soạn “hổ lốn” như vậy có liệu có đáng tin cậy? Sinh thời,cố PGS-TS Đỗ Văn Ninh không chỉ một lần nói với tôi rằng: nhân vật lịch sử đời Tây Sơn,Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản ở Lương Xá (Hà Nôi) là một sự thật lịch sử và đã là sự thật lịch sử thì không ai có thể bưng bít mãi, thế hệ hôm nay chưa sữa chữa đính chính thì các thế hệ mai sau sẽ trả lại sự thật cho lịch sử.
Xin được nhắc lại bài viết này không hề phủ nhận tên tuổi,sự nghiệp của Đô đốc Long vốn đã được định hình suốt 200 năm kể từ ngày Tây Sơn sup đổ mà chỉ phủ nhận kết luân “Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long”.Nói cách khác bài viết nhằm trả lại sự thật cho Đô đốc Long đồng thời phát hiện với giới sử học VN cho Đặng tộc ở Lương Xá,một danh tướng khác của Tây Sơn là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản nằm ẩn trong các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá từ cuối thế kỷ 18.