Kết quả 1 đến 2 của 2
  1. #1
    Ngày tham gia
    Apr 2016
    Bài viết
    0

    Bầy người nguyên thủy, công xã thị tộc mẫu hệ, công xã nông thôn

    Từ dạo lên đại học tới giờ, cũng học Sử nhưng mà sao em làm biếng post bài kinh khủng. Có lẽ là do học nhiều quá nên đâm ra cái gì cũng quơ quào hết chăng? Nhưng mà dù sao thì kể từ hôm nay em cũng sẽ quay lại 4rum chơi với các bác [IMG]images/smilies/4.gif[/IMG]
    Thôi không dài dòng nữa, bài dưới đây đề cập đến một số đặc điểm của 3 tổ chức xã hội từ thời tiền sử đến thời cổ đại của con người.
    --------------------------------------------------------------

    1. Bầy người nguyên thủy là tổ chức xã hội đầu tiên của loài người, ở đó gồm một vài gia đình khoảng vài chục cá thể sống quần tụ với nhau, lang thang trong các khu rừng rậm nhiệt đới, dưới hang động, mái đá, lều lán từ những cành cây, với sự hiểu biết còn non trẻ về thế giới tự nhiên, họ có đời sống cực kỳ bấp bênh do công cụ lao động thô sơ, điểm duy nhất khiến họ tách bạch với động vật đó là họ đã biết lao động, dùng lửa và quần tụ thành một tổ chức bầy có sự phân công lao động giữa nam và nữ. Đôi lúc họ tự làm ra lửa hoặc giữ lửa từ những đám cháy trong tự nhiên. Phân kỳ khảo cổ xếp họ vào thời đại sơ kỳ đá cũ do những công cụ đá sơ khai mà họ tạo ra.
    Nhưng chúng ta không nên xem thường yếu tố lấy lửa từ bầy người nguyên thủy này, chính lửa, đã làm chín thức ăn, chính lửa đã giữ cho họ khỏi bầy thú dữ xung quanh, chính lửa đã làm họ có được chất dinh dưỡng cao hơn họ hàng loài người và có giấc ngủ sâu, hai điều này thúc đẩy nhanh sự tiến hóa về mặt sinh học của con người: bộ não phát triển và cơ thể cường tráng hơn do đủ dinh dưỡng. Và con người tách khỏi giới động vật, như Engels nói, là nhờ lửa do họ cọ xát làm ra.
    Mối quan hệ xã hội trong bầy người nguyên thủy thì khá phức tạp. Chúng ta có quá ít bằng chứng để chứng tỏ hoặc bác bỏ một giả thiết về mối quan hệ tính giao bữa bãi vốn có (hay không?) vào thời kỳ này hoặc thuyết phục mọi người tin vào một giả thiết khác....Có thể có, cũng có thể không có mối quan hệ tạp giao bữa bãi, nhưng chắc chắn, nếu tồn tại, thì đến cuối thời kỳ bầy người nguyên thủy, mối quan hệ ấy phải bị thay thế bởi hình thức liên kết gia đình là gia đình đồng huyết, tức những thế hệ F1, F2, F3...đều là vợ - chồng của nhau.
    Nghệ thuật, tôn giáo trong thời kỳ bầy người nguyên thủy cũng chưa hình thành. Nhưng những mầm mống của nó đã nảy sinh qua quá trình lao động hàng triệu năm để tự cải biến bản thân.
    2. Công xã thị tộc mẫu hệ
    Hàng triệu năm sinh sống lâu dài ở những vùng có hoàn cảnh khác nhau làm cho con người có sự thay đổi về vẻ ngoài như làn da, mái tóc, mặt mũi để thích nghi với hoàn cảnh sống. Do đó hình thành 3 đại chủng lớn vào thời kỳ này.
    Công xã huyết tộc mẫu hệ là một thời kỳ dài trong lịch sử nhân loại, từ khoảng hậu kỳ đồ đá cũ kéo dài mãi tới thời đại đồ đồng. Đặc trưng lớn về kinh tế là sự phát triển thấp của nền sản xuất khiến cho nó chỉ đủ cung ứng cho dân số trong từng thị tộc mà thôi, họa hoằn lắm mới dư ra và đem đi trao đổi mới những nơi khác.
    Từng thị tộc lại kết hợp với nhau trở thành bào tộc liên hệ huyết thống về bên mẹ, họ hàng xa của họ là những người trong bộ lạc thuộc mấy bào tộc kia. Hai đặc điểm về kinh tế và huyết thống quyết định sự tồn tại lâu dài của chế độ mẫu hệ trong lịch sử, nhưng đặc điểm về kinh tế mới là điểm mấu chốt để khai phá nên thời kỳ mới về sau .Chế độ phụ hệ ra đời khi tài sản của người cha chết được để lại cho con cái anh ta thay vì ở lại thị tộc của anh ấy.
    Có nhiều tranh cãi về hệ thống gia đình tồn tại trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ này, trước đây những nhà mác xít cho rằng kiểu mẫu gia đình huyết tộc tồn tại rồi chuyển thành kiểu mẫu gia đình punalua, tức là gia đình mà hủy bỏ quan hệ tính giao giữa anh chị em ruột với nhau, giữa anh chị em cùng mẹ khác cha, và cuối cùng là anh chị em trong hàng hệ con chú con bác. Họ cho rằng hình thức quần hôn trên tồn tại và phổ biến, nhưng ngày nay đã có những ý kiến phản bác cho rằng chúng không phải luôn luôn đúng. Do vậy vấn đề này còn cần phải nghiên cứu thêm

    rong từng thời kỳ tương ứng (đồ đá cũ, đã giữa, đá mới), thị tộc mẫu hệ cũng có một số đặc điểm khác nhau tiêu biểu cho sự phát triển chủ yếu về các công cụ lao động, về tư duy trừu tượng trong đó có tín ngưỡng, nghệ thuật và tri thức về thế giới xung quanh.

    Hậu kỳ đồ đá cũ: khoảng 40 đến 11 ngàn năm cách ngày nay, các công xã thị tộc mẫu hệ đã xuất hiện:
    - Cung tên xuất hiện vào cuối hậu kỳ đồ đá cũ, người ta săn bắt không những bằng cung tên mà còn bằng lao phóng, dùng việc hóa tranh và cả hố để bẫy thú nữa. Do đó mà săn bắt trở thành ngành kinh tế quan trọng bên cạnh việc hái lượm của các bà, các mẹ
    - Con người ngoài ăn thịt thú còn ăn các loài giáp xác, nhuyễn thể (thông qua sự xuất hiện các bàn nghiền sò)
    - Lửa vốn xuất hiện từ trước, thời đại này càng sử dụng rộng rãi, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của người nguyên thủy.
    - Những nghệ thuật tạo hình nguyên thủy, tôn giáo nguyên thủy cũng xuất hiện: đề tài nghệ thuật là động vật với những hình kỷ hà, chúng được chạm khắc và chất liệu là xương, đá, hách hang động.
    Thời đại đá giữa:
    - Cung và tên, lao phóng, nỏ phóng, mũi tên phóng xuất hiện rộng rãi bên cạnh những công cụ đá nhỏ. Chúng giúp tăng sức sát thương cho vũ khí.
    - Xuất hiện ba loại hình kinh tế mới: đánh bắt cá, thuần dưỡng động vật, trồng trọt tuy rằng sơ khai
    - Sự sụt giảm của thú vật và thức ăn cùng quy mô dân số tăng lên buộc con người phải di trú đến những vùng đất xa hơn, vừa mở rộng địa bàn cư trú của họ, vừa phân tán các thị tộc theo đơn vị địa lý, tuy thế mối liên hệ giữa thị tộc với nhau vẫn vững chắc.
    - Do sinh sống trong những điều kiện khác nhau và những hình thái sinh hoạt khác nhau làm nảy sinh những nét mới, khác nhau về văn hóa giữa các bộ lạc. Tuy hình thành những nền văn hóa địa phương nhưng người ta vẫn thấy có sự bảo tồn trong thời đại đồ đá giữa những khu vực văn hóa lớn. Đó là quá trình di động của những tập đoàn người nguyên thủy có dịp gần gũi, liên hệ mật thiết với nhau, và do vậy nên mối liên hệ của các công xã cách xa nhau vẫn được duy trì
    - Tín ngưỡng vạn vật hữu linh xuất hiện
    Thời đại đồ đá mới:
    Xuất hiện những công cụ đá mới: rìu, búa, cuốc, đục, dao, cưa, liềm, mũi khoan, lưỡi dọi, bàn xe chỉ, mui giáo...
    - Xuất hiện các kỹ thuật chế tác đá mới, hoàn thiện những kỹ thuật đã có trước đó.
    - Ra đời của đồ gốm: đồ gốm đựng, nấu chín thức ăn, dự trữ thực phẩm dư thừa và nâng cao chất lượng bữa ăn.
    - Xuất hiện nông nghiệp và chăn nuôi.

    Về cách thức kinh tế, chúng ta có thể thấy thị tộc mẫu hệ đặc trưng bởi 3 đặc điểm sau:
    - Sự công hữu về tư liệu sản xuất (đất đai, núi rừng, ao hồ sông ngòi, cung tên, lao, rìu, búa...)
    - Sự phát triển thấp kém của nền sản xuất: của cải rất ít khi dư thừa vì công cụ lao động thô sơ không tạo ra năng suất lao động cao.
    - Sự bình đẳng về phân phối thành quả lao động: người ta làm chung, ăn chung, hưởng chung và ở chung với nhau.
    Về tổ chức, quan hệ xã hội, nhiều thị tộc hợp thành bào tộc, rồi hợp thành bộ lạc, dựa trên mối quan hệ về huyết thống với nhau. Người phụ nữ được kính trọng hơn đàn ông (do con sinh ra chỉ biết mẹ đứa bé, và người đàn ông chưa nắm quyền chi phối về kinh tế khi họ cũng chỉ sản xuất bằng hoặc thậm chí không bằng phụ nữ), phụ nữ đảm nhiệm việc hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi sơ khai, và phân phối thức ăn cho cả thị tộc, qua đó giữ quyền chi phối thị tộc, hình thành chế độ mẫu quyền. Nhưng trong những trường hợp cần thiết, nam giới vẫn có thể đảm đương vai trò lãnh đạo (như chiến đấu chẳng hạn). Không ai có thể vi phạm chế độ sở hữu chung hoặc hưởng thụ hơn người khác vì sản phẩm dư thừa khá là ít. Các xung đột giữa thị tộc, hay giữa các bộ lạc với nhau đem lại kết quả là báo thù hơn là nô dịch kẻ bại trận: tù bình hoặc là bị giết, hoặc được nhận vào trong thị tộc phe chiến thắng và trở thành thành viên của thị tộc ấy.
    Hình thái ý thức xã hội nguyên thủy là thuyết vạn vật hữu linh, sự thờ cúng tổ tiên, người đã khuất, cũng như nghệ thuật đã bắt đầu lộ diện.

    Tuy nhiên cuộc cách mạng đá mới làm nảy sinh nông nghiệp và chăn nuôi, xuất hiện và phát triển cao của công cụ lao động, chuyển nền kinh tế của các thị tộc từ hái lượm sang sản xuất, là bước đầu tiên làm lung lay cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất vì giờ đã có nhiều của thừa, ai sẽ giữ của thừa ấy?giờ đã có những thứ có thể làm ra của thừa, ai giữ những thứ ấy?
    Bước thứ hai đó là sự phát minh ra công cụ kim khí (mới đầu là đồng, sau là đồng thau, rồi tới sắt). Công cụ kim khí cứng hơn, sắc bén hơn và bền hơn công cụ bằng đá, do đó làm tăng năng suất lao động. Lúc này con người có thể đi khai hoang trên diện rộng, cư trú ở những vùng đất mới, từ nông nghiệp và chăn nuôi họ có thể tự túc về lương thực mà không ngại sự hạn chế của rừng núi và những bầy thú hoang dã trong tự nhiên nữa.
    Và điều này cũng kéo theo hệ quả là giữa những bộ lạc có ưu thế về chăn nuôi và những bộ lạc có ưu thế về trồng trọt bắt đầu chuyên môn hóa, tận dụng sự ưu đãi của tự nhiên (về đất đai đồng cỏ, về độ màu mỡ và mưa đều của khí hậu) để tập trung sản xuất: hoặc chăn nuôi là chính, hoặc là trồng trọt. Sau đó sự chuyên môn hóa lại diễn ra giữa nông nghiệp trồng trọt và các nghề thủ công (làm gốm, dệt, luyện kim...), và cuối cùng là xuất hiện tầng lớp thương nhân làm trung gian trao đổi những sản phẩm giữa những nơi chuyên sản xuất các mặt hàng khác nhau.
    Sự tăng lên về của cải dư thừa, vai trò quan trọng của nam giới cũng được xác quyết vì họ có sức khỏe hơn phụ nữ trong mọi việc đồng áng, sản xuất. Dần dần yếu tố này làm tan rã xã hội thị tộc mẫu hệ vì:
    - Người đàn ông đã có tài sản dư thừa và cả thị tộc cũng có, ai quản lý chúng? nam giới vì có vai trò quan trọng hẳn lên đã nắm giữ tài sản dư thừa ấy và nhất là những tư liệu sản xuất. Đầu tiên ông ta có quyền sắp xếp công việc cho thành viên gia đình: tôi đi cày, bà ở nhà lo trông nom con cái, mấy thằng con trai tôi theo tôi ra đồng cùng mọi người, con gái lo đi hái lượm. Sau đến nắm những quyền quyết định quan trọng, và cuối cùng có quyền thay mặt gia đình trong mối quan hệ với công xã.
    - Cuộc sống ổn định dẫn đến chế độ hôn nhân cũng ổn định: 1 vợ 1 chồng, hoặc vài vợ 1 chồng, con cái biết mặt cha mình. và gia đình cũng có tài sản dư thừa, do đó xác lập huyết tộc theo cha và quyền thừa kế của cha.

    Vì thế xã hội thị tộc mẫu hệ dần nhường chỗ cho xã hội phụ hệ, trong đó vai trò người đàn ông là chính, là quyết định.

    3. Công xã nông thôn

    Sự chuyển biến trên là trong một thời gian dài. Những gia đình phụ hệ xuất hiện thường tách khỏi thị tộc để đến sinh sống ở những nơi sản xuất thuận lợi hơn, và chúng hợp thành những láng giềng của nhau, dần gắn kết trở thành những công xã mới, những công xã nông thôn mà thành viên của nó không nhất thiết phải có mối quan hệ huyết thống với nhau mà chỉ có quan hệ về kinh tế. Ở trong những công xã này sự tư hữu về công cụ lao động và đất đai, nhà cửa, gia súc, vườn tược tồn tại bên cạnh tàn dư của chế độ công hữu về rừng núi, ao hồ, sông ngòi....thời kỳ trước.
    Mọi thành viên nam giới của công xã đều là chiến sĩ, và nam giới lãnh đạo công xã, bô lão vẫn được kính trọng, nhưng quyền lợi của người phụ nữ dần bị tước đoạt bởi nam giới.
    Chế độ nô lệ cũng ra đời trong thời kỳ chuyển tiếp này, chế độ tư hữu và xã hội có giai cấp cũng dần hình thành.
    Nói tóm lại, sự chuyển biến từ công xã thị tộc mẫu hệ sang công xã nông thôn phụ hệ là do sự phát triển của lực lượng sản xuất, cuối cùng qua nhiều giai đoạn đã đưa con người tiến vào thời đại văn minh, có nhà nước.
    -----------
    Tham Khảo:
    1. Hán Văn Khẩn, Cơ sở Khảo cổ học
    2. Nhân Học đại cương
    3. Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại
    4. Lịch sử thế giới cổ đại.

  2. #2
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Mối quan hệ xã hội trong bầy người nguyên thủy thì khá phức tạp. Chúng ta có quá ít bằng chứng để chứng tỏ hoặc bác bỏ một giả thiết về mối quan hệ tính giao bữa bãi vốn có (hay không?) vào thời kỳ này hoặc thuyết phục mọi người tin vào một giả thiết khác....Có thể có, cũng có thể không có mối quan hệ tạp giao bữa bãi, nhưng chắc chắn, nếu tồn tại, thì đến cuối thời kỳ bầy người nguyên thủy, mối quan hệ ấy phải bị thay thế bởi hình thức liên kết gia đình là gia đình đồng huyết, tức những thế hệ F1, F2, F3...đều là vợ - chồng của nhau.
    Về đoạn này: các nhà nhân chủng hiện đại giả thiết rằng người nguyên thủy cũng thực hiện hành vi trao đổi con như các bầy người còn sống trong giai đoạn đồ đá ở Châu Úc: các thị tộc thường gặp nhau 1 vài lần 1 năm để trao đổi dâu rể, tránh tình trạng hôn phối cận huyết.

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •