Trang 1 của 2 12 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 15
  1. #1
    Ngày tham gia
    Apr 2016
    Bài viết
    0

    Lý giải cho những con số thương vong khủng khiếp thời chiến quốc.

    Một trong những điểm khác lạ khi ta đọc về sử liệu liên quan đến thời chiến quốc là những con số thương vong lên đến hàng chục vạn trong vòng 80 năm cuối cùng của thời kỳ chiến quốc. Nếu so sánh những số liệu này với thương vong gây ra trong trận mạc ở phương Tây thì ta phải nói mức độ tàn khốc của chiến tranh tại Trung Quốc thời kỳ này phải hơn hẳn những gì Rome trải qua trong cuộc chiến với Carthage.

    Tuy nhiên, cũng cần nêu ra rằng các nhà sử học Đông Á khi viết về thương vong thường tùy tiện, xem việc dùng số liệu như là một biện pháp tu từ hơn là một công cụ thống kê chính xác số liệu. Việc này đã có nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra trong quá khứ, ví dụ:

    Li Shen-Yang trong bài viết "Numbers and Units in Chinese Economic History" (Những con số và đơn vị trong lịch sử kinh tế Trung Hoa) nói rằng việc tướng lĩnh Trung Quốc báo cáo thổi phồng quân số và phóng đại hóa chiến tích của mình" (Nguyên văn: It is an open secret that generals over-report the number of their soldiers and exaggerated their military achievements)

    Nhà sử học có tiếng Lí Tắc Phân (李則芬) trong trước tác "Tùy Đường Ngũ Đại Sử Luận Văn Tập" cũng chỉ trích các nhà sử học cổ trung đại Trung Hoa viết sách hết sức tùy tiện và không nổ lực ghi lại trung thực số liệu về quân số cũng như thương vong trong chiến tranh.

    Nhà sử học Nhật Bổn Miyazaki Ichisada đã tìm thấy chứng cứ cho thấy tướng lĩnh thời Tam Quốc thường thổi phòng thương vong quân địch 10 lần mỗi khi báo cáo chiến thắng của mình về triều đình. (Xem Tokuri Satsuki trong tạp chí Shiren, năm 1936).

    Việc người viết sử tùy tiện sử dụng những con số thì rõ rồi. Xét cho cùng ở xã hội Á Đông thì người cầm bút và kẻ cầm gươm là hai người khác nhau. Người cầm bút thường chẳng có ai có kinh nghiệm trận mạc, còn kẻ cầm gươm hiếm ai coi chuyện đèn sách là quan trọnng. Đây là khác biệt lớn so với phương Tây khi tướng lĩnh như Ceasar hay Thucydides vừa là những người văn hay chữ tốt, lại vừa là người lính cầm khiên ra trận. Các tướng lĩnh nổi tiếng Trung Quốc thời kỳ này gần như không để lại ghi chép gì về kinh nghiệm chiến tranh của bản thân. Đặc biệt là bốn vị danh tướng lớn thời mạt Chiến Quốc như: Bạch Khởi, Triệu Xa, Liêm Pha và Lý Mục. Trong bản liệt kê các sách vở trữ tại thư khố hoàng gia ở hai quyển Hán thư đều không thấy trước tác nào mang tên các ông.

    Tuy nhiên, những con số ám ảnh này vẫn lập đi lập lại quả thật chứng minh rằng dù số liệu có bị thổi phòng hay không chính xác thì nó vẫn ít nhiều phản ảnh được thực trạng tàn khốc thời ký này.

    Tĩnh sẽ tập trung phân tích về ba con số sau, cả 3 đều liên quan đến Bạch Khởi, người mà người ta ưu ái tặng cho cái mệnh danh là Nhân đồ (kẻ đồ tể):

    Tại trận Y Khuyết: Bạch Khởi được cho là giết hại đến 240,000 người trong liên quân 3 nước Hàn, Ngụy và Tây Chu (Sử Ký - Tần Bản Kỷ; Bạch Khởi Liệt Truyện). Trong Chiến Quốc Sách, Tây Chu Sách, bài cuối cùng của quyển ghi chép lại lời can gián của Bạch Khởi ngăn vua Tần đừng tìm cách tận diệt nước Triệu, tướng quốc Phạm Thư cũng nói: "đại phá quân hai nước đó (Hàn và Ngụy), máu chảy trôi cả hai cái mộc lớn, chặt hai mươi bốn vạn đầu người." (Chiến Quốc Sách bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

    Trận Hoa Dương: Bạch Khởi lại được cho là giết hại 100,000-150,000 lính Ngụy. (Bạch Khởi Liệt Truyện).
    Tư Trị Thông Giám lại ghi con số này lên đến gấp 3 lần: 300,000 người và còn cho biết thêm là quân Tần dìm chết 20,000 quân Triệu trên sông. (穰侯曰:「請發兵矣。」乃與武安君 ��客卿胡陽救韓,八日而至,敗魏 於 華陽之下,走芒卯,虜三將,斬首十 �萬。武安君又與趙將賈偃戰,沈其 � ��萬人於河 - Nhương Hầu (Ngụy Tái) nói: "Xin hãy phát binh", rồi cùng với Vũ An Quân (Bạch Khởi) và khách khanh Hồ Thương cứu Ngụy, tháng tám thì đến, đánh bại quân Ngụy ở dưới Hoa Dương, bắt được ba tướng, chém đầu ba mươi vạn người. Vũ An Quân lại giao chiến với tướng Triệu Cổ Yển, dìm chết hai mươi vạn quân Triệu xuống sông.)

    Cuối cùng, Trận Trường Bình, Vũ An Quân chôn sống 450,000 quân Triệu (Sử Ký Liêm Pha Lạn Tương Như Liệt Truyện, Bạch Khởi Liệt Truyện, Tần Bản Kỷ).

    Như vậy tổng cộng số người mà Bạch Khởi Giết chỉ trong 3 cuộc chiến này lên đến 840,000 người. Thật bi đát!

    Song, nếu xem xét kỹ hơn, ta sẽ thấy những con số này không thực sự vững vàng chút nào:

    Trận Y Khuyết:
    Sử Ký, Ngụy Thế Gia viết rằng:
    三年,佐韓攻秦,秦將白起我軍伊闕二十四萬。
    Năm thứ ba, giúp Hàn công Tần, tướng Tần Bạch Khởi đánh bại quân ta 24 vạn người tại Y Khuyết

    Sử Ký, Hàn Thế Gia thì viết:
    釐王三年,使公孫喜率周、魏攻秦。 �敗我二十四萬,虜喜伊闕。
    Li Vương năm thứ ba, sai công tử Hỷ lĩnh quân Chu, Ngụy công Tần, Tần đánh bại 24 vạn quân ta, bắt Hỷ ở Y Khuyết.

    Ở đây lưu ý chữ "bại", nghĩa là chỉ muốn nói đánh bại từng ấy quân, chứ không thể nói là giết sạch. Ấy vậy mà:

    Sử Ký, Sở Thế Gia lại viết:
    六年,秦使白起伐韓於伊闕,大勝, �首二十四萬。
    Năm thứ sáu, Tần sai Bạch Khởi phạt Hàn ở Y Khuyết, đại thắng, chém 24 vạn đầu.
    Ở đây đã trên thành chém.

    Điều này không khỏi làm người ta nghi ngờ liệu những ghi chép này có thật sự đáng tin cậy không. Quan sát kỹ hơn thì thấy ở hai phần Thế Gia của Hàn và Ngụy, nguyên văn có dùng chữ "quân ta" (我軍). Một vài nhà sử học đã dựa vào những chi tiết này để đoán định rằng Tư Mã Thiên có thể đã sử dụng biên niên của các nước chư hầu còn sót lại chưa bị Tần Thủy Hoàng đốt bỏ. Nếu luận điểm này đúng thì có thể hiểu tin tức đến tai các nước chư hầu mỗi nơi một khác, song việc Chiến Quốc Sách lại ghi là chính Phạm Thư nói Bạch Khởi chém 24 vạn đầu lại làm khiến cho ta phải nghĩ rất có thể đó là thương vong thật sự của liên quân. Một con số kinh khủng. Dẫu sao, ta cũng có nhiều nguồn để đối chứng, và có thể tạm chấp nhận rằng quân ba nước Ngụy, Hàn và Chu đã mất đến 24 vạn người ở Y Khuyết.

    Trận Hoa Dương:
    Sử Ký, Tần Bản Kỷ thì ghi là Bạch Khởi, Ngụy Tái cùng Hồ Thương đánh bại tướng Mang Mão ở Hoa Hạ, chém 15 vạn người. Nhương Hầu Liệt Truyện lại ghi là chém 10 vạn đầu, lấy đất Quyển, Thái Dương và Trường Xã của Ngụy, lấy Quan Tân của họ Triệu. Không rõ về sau Tư Mã Quang dựa vào đâu mà nói Bạch Khởi giết tới 30 vạn quân Ngụy, lại đem dìm 2 vạn quân Triệu xuống sông.
    Ta tạm cho là thương vong ở Hoa Dương là 150,000 người.

    Trận Trường Bình
    Trường Bình thì khỏi nói, chi tiết đem chôn sống 450,000 quân Triệu đã đầu hàng làm rất nhiều nhà sử học từ xưa đến nay nghi ngờ. Chu Hi đời Tống trong Chu Hi Ngữ Lục cũng nói Tư Mã Thiên hành văn không đáng tin cậy. Quả thật con số này rất đáng nghi ngờ và không lấy gì làm chắc cả.

    Song Chiến Quốc Sách, Yên Sách III, bài Tô Đại can vua Yên đừng thờ Tần (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê) thì nói "Tần giết dân tam Tấn mấy trăm vạn, các nơi đó kẻ nào nay còn sống đều là con côi của những người bị Tần giết."

    Như vậy những con số kinh hoàng trên có lẽ không phải chỉ là số quân lính thiệt mạng, mà có lẽ là bao gồm số dân chúng đã bị quân Tần tàn sát sau khi đánh bại quân đội nước khác. Những con số kinh người như vậy dẫu độ tin cậy không phải là tuyệt đối song nó cũng phản ảnh sự tàn bạo cuối thời Chiến Quốc đến mức nào. Tần luật khai quật được những năm 70 cũng cho thấy pháp luật nước Tần tưởng thưởng cho những ai đem được đầu người trở về. Đem được đầu người thì gia quyến được miễn lao dịch, đem được đầu người về thì kẻ làm nô lệ có thể tự giải thoát cho mình. Rốt cuộc chính sự bạo tàn dã man đó lại khiến cho thiên hạ thống nhất dưới tay Tần.

    Ở đây không khỏi làm người ta bàng hoàng khi nhận ra rằng cái đạo lí trên thế gian này không phải chỉ có tốt với xấu. Mạc tử thuyết giảng kiêm ái, yêu mọi người như cha mẹ anh em mình, phản đối cường quốc bành trướng xâm lấn tiểu quốc; Khổng tử và Mạnh Tử thì chỉ muốn dùng Lễ trị dân, muốn duy trì trật tự đã có từ thời Xuân Thu. Vậy mà cái gọi là Pháp gia này, tính từ thời Lí Khôi nước Ngụy ban bố pháp luật hà khắc cho đến tận lúc Hàn Phi chết, đã chủ trương và ứng dụng biết bao nhiêu biện phát vô nhân tính lại có thể khiến cho thiên hạ thống nhất. Quả thật là con người ta phải chấp nhận một điều rằng bản chất con người đã mang trong mình sự tàn bạo, và đôi lúc những biện pháp tàn bạo lạnh tanh máu người đó lại làm được việc lớn.

  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    @Lý Tĩnh : Bạn cho hỏi tý,mình đọc đâu đó nghe bảo Tần Thủy Hoàng xây lăng đã huy động khoảng 700 000 phu phen,dân công,binh lính....và sau đó là giết sạch để giữ bí mật tuyệt đối,con số đó liệu có chính xác ?,điều nữa làm cách nào mà cả một công trình khổng lồ như thế có thể giữ được bí mật suốt mấy nghìn năm vì một lăng mộ quy mô như thế nhất thiết phải có rất nhiều công trình vệ tinh đi kèm.

    Cám ơn.

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Lý Tĩnh : Bạn cho hỏi tý,mình đọc đâu đó nghe bảo Tần Thủy Hoàng xây lăng đã huy động khoảng 700 000 phu phen,dân công,binh lính....và sau đó là giết sạch để giữ bí mật tuyệt đối,con số đó liệu có chính xác ?,điều nữa làm cách nào mà cả một công trình khổng lồ như thế có thể giữ được bí mật suốt mấy nghìn năm vì một lăng mộ quy mô như thế nhất thiết phải có rất nhiều công trình vệ tinh đi kèm.
    Giết sạch 700,000 người thì chắc chắn không có đâu.

    Tính tàn bạo của Tần Thủy Hoàng là có chứ không phải không, song dưới ngòi bút của các sử gia đời Hán, triều đại của ông ta bỗng dưng trở thành địa ngục. Lí do là vì kể từ Tây Hán trở về sau Nho giáo chiếm vị thế quan trọng trong xã hội Trung Hoa nên những người viết sử, vốn chịu ảnh hưởng của nho giáo, mặc sức thêu dệt thêm những điều hoang đường về nhà Tần. Nho giáo vốn dĩ ghét cay ghét đắng Pháp gia mà, đâu có ngờ chính học phái của mình lại biến thành thứ bình phong trong công cuộc trị nước mà thôi. Pháp gia rốt cuộc có ảnh hưởng to lớn đến các triều đại sau này của các nước Á Đông.

    Mộ vua Tần cũng không có gì là bí mật, nếu đã là bí mật há có chuyện Hạng Võ Tây Sơ Bá Vương cho người vào trong lăng cướp hết binh khí.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Thương vong trong chiến tranh thời Chiến Quốc đúng là cao thật, dù sử quan có phóng tay tăng thêm thì lượng thương vong trong chiến trận thời Chiến Quốc vẫn cao hơn khá nhiều các thời kỳ khác. Theo cá nhân mình thì chủ yếu là do đặc điểm quan trọng nhất của chiến trận thời Chiến Quốc là chiến tranh tiêu diệt chứ không phải là loại chiến tranh dùng chiến thắng để buộc đối phương ký hòa ước đòi hỏi quyền lợi như sau này. Dù loại hình chiến tranh dùng chiến thắng để ép buộc đối phương vẫn xuất hiện thời Chiến Quốc, điển hình là các cuộc chiến giành giật đất đai, theo đó mục đích đặt ra ngay từ đầu là đoạt lấy một vùng nào đó từ đối phương, còn thì hầu hết các trận chiến lớn nhất thời Chiến Quốc có số lượng thương vong khổng lồ đều là chiến tranh tiêu diệt, điển hình là trận Trường Bình.

    Sở dĩ chiến tranh thời Chiến Quốc là chiến tranh tiêu diệt, là vì các nước khi đó đều nhận ra rằng phải muốn chiếm được hoàn toàn một nước khác thì phải đánh quỵ hoàn toàn nước đó từ quân đội cho đến tiềm lực quốc gia. Chỉ đánh bại quân đối phương rồi bắt đầu hàng thôi là không đủ, vì không có gì đảm bảo là sau này nước đó sẽ không phản lại mình. Cách khả dĩ nhất là làm suy yếu toàn bộ thực lực quốc gia đó, từ việc tiêu diệt toàn bộ quân địch trên chiến trường cho đến làm cỏ dân địa phương, dứt khoát không cho đầu hàng. Đó là lý do vì sao thời Chiến Quốc trong những trận đánh lớn rất hiếm khi tha cho tù binh, đa phần đều giết hết như Bạch Khởi chôn sống vài chục vạn quân Triệu ở Trường Bình, vì Tần không thể đem mấy chục vạn hàng binh đó về Tần được (dù là giải giáp cho làm ruộng), mà thả về Triệu thì công sức đổ sông đổ bể hết, nên giải pháp tốt nhất là giết hết. Ở phía ngược lại, điều này sẽ càng khiến quân địch chiến đấu hăng hơn, liều chết vì biết rằng có đầu hàng thì cũng vẫn sẽ bị giết, nên thường chiến đấu đến chết thì thôi, dẫn đến chiến trận có số tử vong cao hơn hẳn. Lối chiến tranh tiêu diệt thời Chiến Quốc này còn kéo dài đến thời Hán Sở khi Hạng Vũ không ít lần giết cả vạn hàng binh mà điển hình là chôn sống hơn chục vạn quân Tần của Chương Hàm.

    Thương vong khổng lồ trong các chiến dịch của Bạch Khởi về lý mà nói là có thể, khi mà thời Tần Chiêu Vương chính là giai đoạn Tần tiến hành chiến tranh tiêu diệt mạnh nhất, mục tiêu là triệt hạ tiềm lực nước địch thủ chứ không phải chỉ cần đánh bại quân địch như thời trước. Nên không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt các chiến dịch do Bạch Khởi chỉ huy trong giai đoạn đó đều tập trung tàn sát quân địch và hàng binh, từ Y Khuyết, Hoa Dương cho đến Trường Bình đều thế cả và đều là những chiến dịch có thương vong cực cao. Sau thời Tần Chiêu Vương chính là giai đoạn khoảng cách thực lực giữa Tần và các nước còn lại chênh lệch nhất, chính là kết quả của chiến lược chiến tranh tiêu diệt thời Chiêu Vương do Bạch Khởi tiến hành.

    Cũng cần kể thêm các nguyên nhân khác dẫn đến thương vong cao thời Chiến Quốc, là quân lính các nước đa phần thường là nông dân tòng quân, kỹ năng chiến đấu thấp, đánh kiểu bán mạng liều chết là chủ yếu, nên dẫn đến thương vong cao. Trang bị đại trà cho quân lính cũng không đầy đủ, lính thời Chiến Quốc thường chỉ được phát mỗi áo giáp và binh khí, nhiều khi thiếu cả mũ hay khiên, trang bị phòng thủ thiếu mà lối đánh chủ đạo lại là bán mạng liều chết nên thương vong cao là điều dễ hiểu.

  5. #5
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Thương vong khổng lồ trong các chiến dịch của Bạch Khởi về lý mà nói là có thể, khi mà thời Tần Chiêu Vương chính là giai đoạn Tần tiến hành chiến tranh tiêu diệt mạnh nhất, mục tiêu là triệt hạ tiềm lực nước địch thủ chứ không phải chỉ cần đánh bại quân địch như thời trước. Nên không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt các chiến dịch do Bạch Khởi chỉ huy trong giai đoạn đó đều tập trung tàn sát quân địch và hàng binh, từ Y Khuyết, Hoa Dương cho đến Trường Bình đều thế cả và đều là những chiến dịch có thương vong cực cao. Sau thời Tần Chiêu Vương chính là giai đoạn khoảng cách thực lực giữa Tần và các nước còn lại chênh lệch nhất, chính là kết quả của chiến lược chiến tranh tiêu diệt thời Chiêu Vương do Bạch Khởi tiến hành.
    Như đã nói trên những con số chục vạn như vậy không thể nào được xem là những con số cụ thể có thực. Tĩnh chắc chắn rằng thương vong do đụng độ chiến trận trực tiếp ít hơn RẤT NHIỀU so với những con số đó. Tuy nhiên, chiến tranh liên miên sẽ khiến hoạt động nông nghiệp bị đình chỉ, gây ra đói kém mất mùa. Hơn nữa là có những chi tiết ít ai quan tâm, đó là thời Chiến Quốc công thủ thành cũng quan trọng. Quân đội càng đi về xa thì tiếp tế lương thực càng khó khăn. Do vậy nên mới phải đi cướp bóc làng mạc thành quách đặng tìm lương thực cung cấp cho quân đội, điều này sẽ khiến thường dân bị giết hại và chết đói.

    Những con số to tát kia ắt phải bao gồm cả thương vong của dân thường. Lẽ vì chém nhiều đầu thì được phong cấp, ai dám bảo quân Tần chả chém thêm đầu dân thường đem về dâng tướng lĩnh?

    Ngoài ra, có nhiều tài liệu chứng tỏ kích thước quân đội thời này thường là 20 vạn quân. Chiến Quốc Sách, Triệu Sách III có một bài bàn luận giữa Triệu Xa và Điền Đan, Xa lí luận thời cổ dụng binh có thể chỉ có 3 vạn người, nhưng thời của ông ta phải dùng tới 10 vạn, 20 vạn quân mới đủ dùng.

    Sách Úy Liêu Tử, thiên Trị Đàm cũng nói đến quân số:

    今國被患者,以重寶出聘,以愛子出 �,以地界出割,得天下助卒,名為 � ��,其實不過數萬爾。

    Nay có nước gặp hoạn nạn đã lấy báu ngọc làm tặng phẩm, cho con yêu ra nước ngoài làm con tin, lấy đất đai đem cắt cho kẻ khác, mà binh sĩ giúp lấy thiên hạ trên danh nghĩ thì có mười vạn, kỳ thực chẳng quá vài vạn mà thôi.

    Cho nên Tĩnh nghĩ quân đội thời chiến quốc cùng lắm là đến chừng 20 vạn người là cùng. Số ấy là lớn lắm rồi.


    Cũng cần kể thêm các nguyên nhân khác dẫn đến thương vong cao thời Chiến Quốc, là quân lính các nước đa phần thường là nông dân tòng quân, kỹ năng chiến đấu thấp, đánh kiểu bán mạng liều chết là chủ yếu, nên dẫn đến thương vong cao. Trang bị đại trà cho quân lính cũng không đầy đủ, lính thời Chiến Quốc thường chỉ được phát mỗi áo giáp và binh khí, nhiều khi thiếu cả mũ hay khiên, trang bị phòng thủ thiếu mà lối đánh chủ đạo lại là bán mạng liều chết nên thương vong cao là điều dễ hiểu.
    Đánh giá như vậy e là sai.
    Quả đúng là binh lính thời chiến quốc đa số là dựa vào phép chính binh, bắt linh từ huyện quận. Nhưng binh chủng thời chiến quốc được trang bị đa dạng, đánh trận đều có hàng ngũ chỉnh tề, không đánh nhau kiểu bán mạng đâu. Hai binh chủng là lính không chuyên thường đảm nhiệm là nỏ thủ và trường binh khí (tức giáo và kích). Mỗi nước chư hầu lại có riêng những đội quân tinh nhuệ khác, trang bị chỉnh chu hơn, chiến đấu cũng tốt hơn. Thường binh chủng nào cầm đoản khí đều được huấn luyện kỹ càng hơn.

    Không nên cứ nghe nói đến nông dân là nghĩ binh lính chẳng ai biết đánh đấm. Thời cổ binh sĩ nước nào cũng có nguồn gốc từ nông dân hay thậm chí nô lệ. Philip II Macedon huấn luyện cho nông dân xứ đó cầm giáo dài sarissa chẳng hạn. Quan trọng là chỉ huy, hệ thống khen thưởng, chất lượng tướng lĩnh. Tần là nước từ thời xuân thu nổi tiếng gan dạ, binh lính thời Tần Mục Công đã có chuyện ham đánh mà cởi cả giáp để dễ xung kích. Trong quyển Binh pháp Ngô Khởi cũng nói người Tần tính tình cứng cỏi, pháp luật trong nước hà khắc, hung hãn, bày trận rời rạc mà vẫn biết tự đánh. Cho nên quân Tần về sau đã có cái nguồn gốc căn bản. Vả lại tới thời Doanh Chính thì binh sĩ phần nhiều chẳng chỉ có dân Tần, mà dân tứ xứ đều đầu quân cả.

  6. #6
    Ngày tham gia
    Apr 2016
    Bài viết
    0

    Đặc biệt là bốn vị danh tướng lớn thời mạt Chiến Quốc như: Bạch Khởi, Triệu Xa, Liêm Pha và Lý Mục. Trong bản liệt kê các sách vở trữ tại thư khố hoàng gia ở hai quyển Hán thư đều không thấy trước tác nào mang tên các ông.
    Mình tưởng là Bạch Khởi, Vương Tiễn, Liêm Pha và Lý Mục chứ ? Triệu Xa sao bằng Vương Tiễn diệt hai nước Triệu Sở được [IMG]images/smilies/7.gif[/IMG]

  7. #7
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Thương vong trong các sách cổ thời Chiến Quốc nếu có ghi rõ số lượng (trận A chém 2 vạn đầu, trận B chém 3 vạn đầu) thì thường hiểu con số đó là chém hàng binh là chủ yếu, chứ không phải là thương vong do đụng độ trong trận đánh. Nếu đối phương không hàng, thì dù có là thắng to thì cũng ít khi ghi chép được con số thương vong. Vì vậy những con số thống kê thương vong trong các chiến dịch của Bạch Khởi nên hiểu là tổng lượng thương vong do giết trong trận + chém hàng binh + giết thường dân chứ không phải chỉ là giết trong trận.

    Đúng là quy mô một cánh quân mà một vị tướng có thể chỉ huy thời Chiến Quốc thường là 20 vạn, thời Hán Sở đám tướng Tần chỉ huy từng cánh quân như Chương Hàm cũng chỉ cầm hơn 20 vạn một chút. Nhưng có lẽ đây là số lượng quân sĩ trong một cánh quân dưới trướng một vị tướng thôi, chứ không phải là toàn bộ quân lực của một nước. Đoạn đàm luận giữa Triệu Xa và Điền Đan cũng cho thấy quy mô một cánh quân dưới trướng một vị tướng trong những trận đánh thông thường là khoảng 20 vạn, điều này cũng có nghĩa là trong những trận đại chiến quyết định như Trường Bình chẳng hạn, con số này có thể tăng thêm khi một nước dốc hết lực lượng ra đánh.

    Còn chuyện cơ cấu và huấn luyện lính thời Chiến Quốc thì tài liệu chưa đủ để biết rõ đám nông dân tòng quân được huấn luyện và trang bị cụ thể ra sao. So sánh với các trường hợp khác trên thế giới cũng chưa có gì chắc chắn. Cá nhân mình thì thấy chuyện bắt lính và huấn luyện sơ sài rồi tống ra trận thời Chiến Quốc khá nhiều, điển hình là việc Tần lấy đám phu xây cất thành quách lâu đài đem làm lính để chống lại quân chư hầu thời Tần Nhị Thế. Còn đánh trận theo hàng ngũ thì là chuyện tất nhiên rồi, vì nó là điều cơ bản nhất, đánh kiểu bán mạng theo ý mình là lính nông dân thiếu kinh nghiệm trận mạc và thường bị xếp ngay hàng đầu như đám lính cầm giáo hay qua, vốn là chỗ dễ chết nhất do cung nỏ hay đám chiến xa.

  8. #8
    Ngày tham gia
    Feb 2016
    Bài viết
    0

    Thương vong trong các sách cổ thời Chiến Quốc nếu có ghi rõ số lượng (trận A chém 2 vạn đầu, trận B chém 3 vạn đầu) thì thường hiểu con số đó là chém hàng binh là chủ yếu, chứ không phải là thương vong do đụng độ trong trận đánh. Nếu đối phương không hàng, thì dù có là thắng to thì cũng ít khi ghi chép được con số thương vong. Vì vậy những con số thống kê thương vong trong các chiến dịch của Bạch Khởi nên hiểu là tổng lượng thương vong do giết trong trận + chém hàng binh + giết thường dân chứ không phải chỉ là giết trong trận.
    E là không có chứng cứ cho chuyện này. Việc nhắc đến giết hết tù nhân chỉ có trong trận Trường Bình, vốn là một ngoại lệ. Các trận khác khi ghi tổng số thương vong có thể là thương vong trong trận + giết hại thường dân rồi đem trối trá là địch. Tuy nhiên đã dùng chữ "trảm" nghĩa là giết. Những con số này như đã nói là có sự phóng đại.

    Đảo mắt qua nhìn những trận đánh lớn thời kỳ cận đại, như trận Leipzig. Thời kỳ này súng ống đã có độ sát thương cao hơn với cung nỏ mà thương vong vẫn không đến như mức trong sử ký ghi, thì làm sao vào cái thời vũ khí còn trang bị bằng đồng mà đánh một trận thương vong tới mấy trăm nghìn người được.

    Y Khuyết diễn ra vào nằm 293 trước công nguyên. Trước đó không lâu, năm 301, liên quân Tần, Tề, Hàn, Ngụy cùng đem quân phạt Sở ở Thùy Sa, Chiến Quốc Sách nói thương vong quân Sở chỉ độ vài nghìn người.

    Lại trước đó không lâu, năm 314 trước công nguyên, danh tướng nước Tề là Khuông Chương thừa lúc nước Yên có loạn đem 10 vạn quân phạt Yên.

    Vậy thì tại sao tới thời Bạch Khởi, vốn chỉ chưa đầy 20 năm mà trong một trận đánh thương vong lên cao ngất ngưởng như vậy? Nếu như ở Y Khuyết nói quân Tần giết 240,000 người, có nghĩa là liên quân 3 nước Chu, Hàn và Ngụy phải đem quân còn nhiều hơn số đó.

    Cho nên mới nói những con số đột biến kia có cái gì đó không ổn lắm.


    Còn chuyện cơ cấu và huấn luyện lính thời Chiến Quốc thì tài liệu chưa đủ để biết rõ đám nông dân tòng quân được huấn luyện và trang bị cụ thể ra sao. So sánh với các trường hợp khác trên thế giới cũng chưa có gì chắc chắn. Cá nhân mình thì thấy chuyện bắt lính và huấn luyện sơ sài rồi tống ra trận thời Chiến Quốc khá nhiều, điển hình là việc Tần lấy đám phu xây cất thành quách lâu đài đem làm lính để chống lại quân chư hầu thời Tần Nhị Thế. Còn đánh trận theo hàng ngũ thì là chuyện tất nhiên rồi, vì nó là điều cơ bản nhất, đánh kiểu bán mạng theo ý mình là lính nông dân thiếu kinh nghiệm trận mạc và thường bị xếp ngay hàng đầu như đám lính cầm giáo hay qua, vốn là chỗ dễ chết nhất do cung nỏ hay đám chiến xa.
    Cũng vì cách lí luận như vậy mà nhiều người tin sái cổ quân Liên Xô trang bị lạc hậu y như trong phim Enemy of the Gates.

    Chỉ vì binh sĩ có xuất thân từ nông dân không có nghĩa họ không được huấn luyện căn bản đàng hoàng. Tuân Tử có để lại chi tiết mô tả khá kỹ quân tinh nhuệ của Ngụy:

    魏氏之武卒,以度取之,衣三屬之甲 �操十二石之弩,負服矢五十個,置 � ��上,冠冑帶劍,贏三日之糧,日 而 趨百里,中試則復其戶,利其田宅, �數年而衰,而未可奪也,改造則不 � ��也,是故地雖大,其稅必寡,是 國 之兵也。

    Võ tốt họ Ngụy, dựa theo tiêu chuẩn tuyển chọn họ, mặc áo giáp gồm ba phần, cầm nỏ loại 12 thạch, lưng đeo bao tên đựng 50 mũi tên, trên bao lại đeo thêm một mũi kích, đầu đội mũ, hông đeo gướm, gánh lương ăn cho ba ngày, mỗi ngày đi trăm dặm, nếu trúng kỳ thi cử thì miễn lao dịch cho cả nhà, ruộng thì cho chỗ tốt để cày, quân ấy được vài năm thì xuống sức mà vẫn không thể lấy lại quyền lợi của chúng. Có tuyển quân mới cũng vẫn phải giữ nguyên cách đãi ngộ như vậy. Cho nên đất tuy có rộng, nhưng thuế thu được ít, đó là quân làm cho nước lâm nguy vậy.

    Tất cả chư hầu đều có quân thường bị lẫn quân địa phương. Địa phương quân thường là lấy từ quận huyện vì 7 nước đều đã xác lập một hệ thống huyện quận cả rồi.

    Về cách huấn luyện tuy không còn tài liệu nào nhưng quyển Binh Pháp Tôn Tẫn khai quật được những năm 70 có vài chi tiết liên quan đến đội hình. Nhìn chung chỉ vì quân đội chủ yếu lấy từ nông dân không thể nói là tướng lĩnh chỉ huy đều đem họ ra thí mạng. Chẳng qua quân Tần do cách tổ chức xã hội nên số lượng sĩ tốt sẵn sàng vào cuộc nhiều hơn các nước chư hầu khác thôi.

    Mà điểm khác biệt ở đây là gì? Quân thường bị cũng như quân địa phương đều là có thể lấy từ nông dân cả, khác là loại trước lấy nghiệp binh làm nghề chính, loại sau chủ yếu là lúc cần sẽ gọi đến, thường làm những công việc như đào công sự, vận tải.


    Mình tưởng là Bạch Khởi, Vương Tiễn, Liêm Pha và Lý Mục chứ ? Triệu Xa sao bằng Vương Tiễn diệt hai nước Triệu Sở được
    À hèm, ờ thì đúng là vậy hì hì...
    Triệu Xa chỉ vì thắng trận Khuyết Dữ mà được danh thôi, mà cũng là nhờ nghe mưu kê của một người lính mới thắng. Nhìn chung chưa thể nói ngay Xa là tướng như thế nào, vì đến trận Trường Bình thì Xa chết rồi.

  9. #9
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Sách sử TQ, đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng là chém gió phóng đại quân số rất bạo. Trận Trường Bình thường được đọc là Bạch Khởi chém đến 40 vạn hàng binh nước Triệu. Chứ theo mình thấy con số này chỉ có 3-5 vạn là cùng. Quân số thực tham chiến của 2 bên cũng chỉ dưới 10 vạn quân mỗi bên. Bởi vì theo trình độ nông nghiệp, quy mô dân số thời ấy như vậy đã là quá khủng rồi.

  10. #10
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    @ Lí Tĩnh :

    Thống kê cách thức ghi chép về thương vong các trận đánh thời Chiến Quốc và Hán Sở cũng có thể thấy được ngay thôi, dĩ nhiên chỉ mang tính tương đối. Các trận đánh có thương vong lớn nhất (lên tới chục vạn) được ghi lại rõ ràng như Bạch Khởi ở Trường Bình hay Hạng Vũ chôn sống 20 vạn hàng binh Tần ở Tân An thì đều là giết hết hàng binh sau trận đánh, con số thương vong vì thế sẽ chính là số lượng quân sĩ đối phương, rất rõ ràng. Trong khi đó những trận đại chiến nơi thắng bại được phân định ngay trên chiến trường như trận Hạng Vũ đại phá Vương Ly hay một số trận đánh lớn khác thời Chiến Quốc thì gần như không có số thương vong, cho thấy việc thống kê thương vong trong một trận chiến là không dễ. Đồng ý là những trận đại chiến có thương vong lớn như Trường Bình thì đa số thương vong là do việc giết hàng binh chứ không phải là chết trận, nhưng thống kê được chết trận bao nhiêu thì khó.

    Và mình cũng không đồng ý chuyện đem so súng đạn với gươm giáo trong vấn đề sát thương. Trong lịch sử quân sự, sát thương trong một trận đánh nhiều hay ít phụ thuộc chủ yếu vào việc trận chiến ấy có kết thúc mau chóng hay không, tức là vấn đề chiến thuật, chứ không/ít phụ thuộc vào vũ khí là súng đạn hay gươm giáo dù đúng là vũ khí càng hiện đại thì sát thương càng lớn. Một trận chiến hai bên dùng súng đạn mà kết thúc chóng vánh thì thương vong chắc chắn là không bằng một trận đại chiến bằng gươm giáo kéo dài căng thẳng và quyết liệt. Thời Tây Hán Vệ Thanh đánh Hung Nô có trận chém được cả vạn thủ cấp thì mình nghĩ thời Chiến Quốc điều này cũng có thể xảy ra. Con số thương vong cao trong các chiến dịch của Bạch Khởi trước trận Trường Bình đúng là quá cao nếu đó chỉ hoàn toàn là do giết địch trong trận đánh, nếu là đánh bại hoặc bắt đầu hàng rồi chôn sống cả chục vạn giống như Trường Bình thì hợp lý hơn.

    Đoạn mô tả của Tuân Tử có lẽ quân tinh nhuệ chứ không phải lính nông dân tòng quân, trừ phi có tài liệu ghi rõ về cách thức huấn luyện và trang bị của loại lính nông dân này, còn không thì mình rất nghi ngờ việc Tần hay bất cứ nước nào khác thời Chiến Quốc không đẩy đám lính nông dân trang bị và huấn luyện sơ sài ra tuyến đầu cả. Thời cổ đại bất cứ ở đâu trên thế giới thường bao giờ tân binh cũng bị đặt hàng đầu, còn lính tinh nhuệ có kinh nghiệm đặt ở phía sau, điều này đã trở thành nguyên tắc cơ bản. Lính La Mã trước Marius reform thì Hastati là lính tân binh đứng ở tuyến đầu, còn Triarii là lính tinh nhuệ dày dạn kinh nghiệm nhất thì xếp sau cùng, đó là nguyên tắc cơ bản nhất để phát huy tối đa sức mạnh của lính tinh nhuệ và cũng là cách tối ưu để giành chiến thắng, vì tân binh ở tuyến đầu sẽ khiến quân địch giảm sút thể lực và sức mạnh để cựu binh dày dạn tiến ra tung đòn kết liễu. Thời Chiến Quốc cũng thế thôi, lính nông dân cầm qua kích đứng hàng đầu vốn dễ bị ăn tên hay chiến xa địch quét nhất.

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •