Trang 1 của 4 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 36
  1. #1
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Ruộng đất miền Nam.

    Ngày nay đất nước đã đổi khác. Ngay cả thôn quê đã có điện và nhiều đoạn đường bộ được kiến thiết dọc theo đường thủy. Máy cầy đã thay thế những con trâu quen thuộc. Các em học sinh thời nay khó mà hình dung ra ruộng đất miền Nam năm 1975 - 1990. Nhằm bảo trì những di tích lịch sử, bài viết này cố gắng gợi lại những hình ảnh ruộng lúc miền Nam thời cũ, truớc khi chúng hoàn toàn biến mất trong đà canh tân của đất nước.


    Cầu khỉ

    Đây là 1 bài sưu khảo hoàn toàn dựa vào những cuộc phỏng vấn cha mẹ Meta và các bậc tiền bối miền nam khác mà không tham khảo bất cứ tài liệu nào . Nó không có giá trị như 1 học liệu nhưng theo Meta đánh giá thì rất chính xác. Tuy nhiên nếu có điểm nào không đúng hoặc thiếu sót kính xin các bạn kiến thức sâu rộng vui lòng điểm hoá. Cám ơn. Viết bài này Meta tốn tiền long distance gọi đi Minnesota sáu lần để tham khảo những chi tiết từ các cụ đã từng sống ở Rạch Giá.

    RUỘNG ĐẤT MIỀN NAM.


    Từ năm 1955 đến 1957 thừa lệnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đại Tá Nhan Minh Trang, tỉnh trưởng Kiên Giang, thành lập khu dinh điền Cái Sắn với hơn 100000 đồng bào di cư miền Bắc, đa số là Công giáo.

    Từ bắc Vàm Cống theo quốc lộ 4 xuôi nam hướng Rạch Giá khoảng 20 km , ta sẽ thấy nhiều con kinh xắn ngang quốc lộ được đặt tên theo mẫu tự : kinh G, E . . . B, A . Tiếp đó là kinh 1, 2, 3 . . . chạy dài tới Rạch Sỏi, 1 quận có thể gọi là cửa ngõ của thị xã Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang , cách cổng Tam Quan 6 km (Tam Quan = 3 cổng) xây cất theo kiểu Khải Hoàn Môn bên Tây.


    Cổng Tam Quan Rạch Giá

    Nhìn về hướng nam mỗi con kinh xẻ ngang quốc lộ cách nhau đều đặn 2 km, không biết ai đào. Chắc có lẽ từ thời vua Gia Long. Dân Bắc Kỳ di cư tị nạn Cộng Sản được chính phủ ( do Mỹ tài trợ, quỹ của UNESCO dùng cho việc dân miền Bắc tị nạn Cộng Sản theo hiệp định Geneva) được cấp phát 10 tấm tôn, 3 gia đình 1 con trâu, 1 số tiền mặt đủ chi dụng cho tới mùa gặt và 1 lô đất miễn phí ( sau này rất có giá ). Đất miền nam là đất thấp. Hàng năm nước từ hồ Tonlé Sap và rừng núi bên Kampuchia đổ về theo mùa mưa . Mùa mưa bên VN bắt đầu từ tháng 4. Cả lục tỉnh đều ngập nước từ tháng 8 đến tháng 11 nước đứng và tháng 12 thì nước rút hẳn. Do đó nhà cửa được dựng lên dọc theo con kinh trên nền đất cao hơn mực nước dâng mỗi năm. Từ quốc lộ đi dọc theo con kinh dài 15 km có khoảng 2 cho đến 3 cái nhà thờ tuỳ theo mỗi kinh. Nhà thờ cũng chiếm 1 lô đất. Một lô được chia ra như sau : bề ngang dài 30 mét, bề dài 1 km. Như trên đã nói mỗi kinh cách đều nhau 2 km cho nên con kinh kế đó cũng chia lô giống nhau: 1 km dài và 30 mét rộng. Cuối lô ruộng kinh này đụng với cuối lô ruộng bên kia.


    Ruộng chia thành lô.

    LUNG và ĐÌA

    Ruông miền nam màu mỡ vì phù sa mỗi năm bồi đắp nhưng cũng có những dải đất không trồng lúa được vì phèn và vì đất quá thấp. Khi nước đổ về lúa ngoi lên mặt nước không được sẽ chết. Chỉ cỏ năng, cỏ lác là 2 loại cỏ có củ chịu ngập nước là sống được thôi. Dải đất thấp kéo dài có khi đến 3, 4 km được gọi là lung , có khi gọi dài hơn là lung phèn.

    Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
    Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu

    Người nông dân miền nam ( lúc này dân di cư Bắc Kỳ tị nạn Cộng sản cũng được gọi là nông dân miền nam) với tính sáng tạo đã quyết không bỏ hoang 1 tấc đất. 1 lô ruộng có dải lung phèn chạy ngang qua không được coi như ruộng tốt vì với bề ngang 30 mét của lô ruộng, cỏ hoang chiếm mất khoảng 2 công đất không trồng trọt được. Mùa khô tới người dân đào 1 cái ao ngay giữa lung chỗ sâu nhất gọi là đìa.
    Trong năm đầu đìa thường có nhiều phèn cá không thích ở . Từ năm sau cá từ vùng nước bao la ngập của 6 tỉnh miền nam theo con nước rút , khi ruộng khô nước chỉ 1 cách sống sót là trú ngụ ở các đìa. Tuy nhiên người ta vẫn thấy cá trê (walking fish) bỏ đìa đi bằng ngạnh băng 1 km ruộng khô trở ra sông. Trẻ con hay ra đồng sau khi nước rút tìm bắt loại cá bụi đời này. Khoảng tháng 12 các chủ ruộng có đìa bắt đầu lo huy động con cháu vác máy bơm lội bộ ra ruộng tát đìa. Vì đất thấp muốn cho nước tát lên bờ khỏi chảy xuống đìa trở lại, người ta phải đắp bờ quanh đìa rồi đặt ống bơm nước lên. Chỗ nước bơm lên có đặt 1 cái thúng lớn để hứng cá con, thường là cá sặt, cá trèn, lòng tong và cá trà vinh dởm. Gọi là cá trà vinh dởm vì cá trà vinh thuộc loại cá như cá chép lớn bằng bàn tay người lớn ăn rất ngon. Ngược lại cá trà vinh dởm hình dạng giống y như cá trà vinh chỉ khác có 1 chấm đen chỗ cái đuôi và chỉ lớn cỡ ngón tay cái , không lớn hơn được. Khi cạn nước cả gia đình chủ đìa lội xuống . Thôi thì bùn đen từ đầu đến chân, kẻ thì thọc tay vào hang cá trê, người thì lấy chĩa đâm vào lỗ lươn, người bì bõm rượt theo những con cá lóc đủ cỡ. Theo 1 quy luật bất thành văn, tới thời điểm nào đó dù chủ đìa chưa cho phép, trẻ con ùa nhau xuống đìa hôi cá. Lúc này chỉ toàn cá tép, thỉnh thoảng có đứa tóm được con cá lóc to cỡ bắp đùi trong tiếng reo hò làm chủ đìa tiếc ngẩn người.


    Tát đìa

    Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ . . . một câu ca trong bài tiếng Cửu Long của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói lên sự sung túc của miền nam. Cá được gánh về nhà chừa mấy con cá lóc to nhất để trong lu gọi là "rộng" cá để cả gia đình từ ông bà cho đến con cháu làm tiệc khao quân. Đậy lại bằng cái rổ có dằn thêm cục đá nặng thế mà có khi cá vẫn phá rổ đi mất. Còn bao nhiêu sáng hôm sau theo ghe đò ra chợ quận bán. Cũng có khi bân rộn quá chủ đìa có thể gọi người bán đìa cho con buôn. Với con mắt nhà nghề, người mua đìa chỉ cần thăm đìa , coi bọt nước và địa thế xung quanh cũng có thể ước lượng gần đúng số cá thâu hoạch. Bởi cuộc trả giá rất gay go nên người mua đìa phải ước tính cho đúng số cá trong đìa, chi phí xăng cho máy bơm , công người phụ và tiền chuyên chở ra chợ bằng đò cách khoảng 10 km. Luôn luôn có lời. Người mua đìa không phải làm ruộng vẫn đủ ăn quanh năm.


    RUỘNG SẠ

    Nông dân miền nam làm chơi ăn thiệt. Lúa chỉ làm 1 năm 1 mùa, không cần phân bón cũng như làm cỏ nhiều. Để Meta bắt đầu vào tháng 3 , mùa đốt đồng.

    Lúa 1 năm 1 vụ được gọi là lúa ngoi vì nước dâng cao bao nhiêu, lúa ngoi dài theo bấy nhiêu, không bao giờ bị ngập. Khi cắt lúa, người ta chỉ cắt đọt trĩu nặng bông lúa còn để gốc rạ lại. Gốc rạ nằm rạp xuống đất dài khoảng 2 mét. Từ xa khi ruộng gặt hái xong cánh đồng vẫn vàng ươm như vừa chín tới trông mát con mắt. Người ta đốt đồng để lấy tro than làm phân, thế thôi, không phải mua phân bón gì cả. Hầu như lục tỉnh chỉ có khoảng 1 tuần lễ đốt đồng. Hầu như cả miền nam chìm trong khói lửa . Du khách đi xe đò dọc theo quốc lộ 4 sẽ thấy nhưng cột khói bốc lên ngùn ngụt như bãi chiến trường. Thực ra có thể gọi là chiến trường.

    Từng đoàn người tay xà beng tay cầm giỏ tre dàn hàng ngang, dẫn đầu là vài con chó đi bắt chuột. Chuột đồng còn được gọi là gà đồng vì chúng chỉ ăn lúa, thịt ngọt, thơm có thể ăn với cơm hay để nhậu. Ngoài chợ quận có bày bán chuột lột da, ướp ngũ vị, quay vàng lườm bày bán hay chưng trong tủ kiếng các quán nhậu bình dân. Tại sao phải có chó? Chuột rất dữ. Khi phá hang chuột bằng xà beng, cùng đường chuột cắn người rất đau. Nhiều khi đau quá phải vứt đi để chúng tẩu thoát. Lúc này là lúc chó trổ tài bắt chuột thay cho người. Nhưng nhiệm vụ con chó không phải chỉ có thế. Con chó còn là vật hy sinh dò đường nữa. Sau khi đốt đồng đợi vài ngày cho lửa tàn, có những chỗ trông rất bằng phẳng nhưng che lấp ở dưới là 1 cái hố còn đỏ lửa, nếu không có chó mở đường, người có thể thụt xuống hố và bị phỏng nặng. Đã có 1 số trường hợp phỏng chết người. Những con chó xấu số làm nhiệm vụ trinh sát khỏi cần phải làm lông, vác về nhà là tối hôm đó có người ngoắc cần câu.
    Đã nói dân miền nam làm chơi ăn thiệt. Một tháng sau (tháng 4) bắt đầu vào mùa mưa. Mưa đầu mùa thường bắt đầu bằng 1 tuần lễ tầm tã .Theo kinh nghiệm của các người già , dựa vào gió, mây pha chút hiện tượng thần bí như men rượu hư, chân gà bị ửng đỏ . . . Người ta bỏ lúa giống vào trong các bao ngâm dưới ao 1 ngày 1 đêm cho lú mầm rồi đợi mưa. Qua 1 ngày 1 đêm mà chưa mưa người ta vớt lúa giống lên ủ trong bao bố cho mầm mọc dài hơn vì ngâm lâu sẽ bị thối lúa . Ít khi người ta tiên đoán sai quá 3 ngày. Khi mưa xuống thanh niên có nhiệm vụ vác lúa ra ruộng. Sạ lúa là 1 nghệ thuật mà chỉ dày kinh nghiệm mới làm được nếu không lúa sạ ra sẽ mọc không đều, có từng vệt, từng vệt như cái đầu hớt tóc vụng. Sau này việc cấy dặm sẽ tốn công hơn. Làm ăn kiểu này lệ thuộc hoàn toàn vào thời tiết vì cơn mưa đầu mùa chỉ kéo dài có 1 hay 2 ngày sẽ gây biết bao vấn đề.

    Thứ nhất : lúa giống sẽ bị chuột, kiến, dế ăn mất trước khi mọc thành cây. Nếu nắng cả tuần lễ cả ruộng lúa dài 1 km chỉ lơ thơ vài cọng. Nếu cấy dặm vào chỗ trống coi như cấy cả lô ruộng. Lúa giống gieo mạ nhiều hơn gấp bội và công thuê mướn thợ cấy nhiều hơn gấp bội. Sở dĩ phải mướn thợ cấy vì phải cấy xong trước khi những cơn mưa đầu mùa đã trở nên dịu, không đủ nước cho sức tăng trưởng của cây lúa đang lớn.

    Thứ Hai : Khi lúa sạ không mọc đều vì không đủ mưa, đất cày đã trở nên cứng không thể sạ dặm được nữa vì khi mưa xuống gặp đất nhẵn, hột lúa giống sạ thêm sẽ trôi xuống chỗ trũng chứ không ở nguyên chỗ như khi đất còn tơi. Chỉ có nước mướn thợ cày cày bừa lại. Tốn tiền và vẫn qua rồi những cơn mưa như trút nước đầu mùa. Cho nên chỉ sạ cách nhau 1 tuần có nhà trúng có nhà thất.


    Kéo Vó

    Trời thương nên mưa đầu mùa luôn kéo dài cả tuần lễ. Đây là mùa bắt ếch.

    Meta có thấy trên TV con ếch Phi Châu Mỹ gọi là giant king frog. To lắm, bằng cái nồi ăn cơm nhưng vẫn không to bằng con ếch Cái Sắn. Mùa nắng thỉnh thoảng ta gặp con ếch này vào ban đêm lần theo tiếng kêu của nó hay theo mấy chú câu ếch bằng hoa dâm bụt. Thấy động ếch nhảy xuống đìa ngay. Hoạ hoằn mới thấy người ta câu được 1, 2 con suốt 1 ngày dãi nắng. Nhưng cơn mưa đầu mùa là đêm động phòng hoa chúc cho các cô cậu ếch. Đêm mưa đầu trong năm chúng ta thấy có nhiều thanh niên khoác áo mưa đi soi ếch. Phải mang theo 1 bao bố đựng ếch, 1 ngọn đuốc thắp bằng đầu hôi hay hiệu quả hơn, 1 cái đèn măng sông (dễ rụng bấc nếu trột té hay vỡ kiếng nếu để văng nước). Bình thường ếch nhảy xuống đìa ngay khi nghe tiếng động . Nhưng khi con ếch cái cõng con ếch đực, gặp đèn cả hai chỉ mọp đầu xuống. Sướng con cu mù con mắt là thế. Ăn ếch đã nhiều nhưng chưa bao giờ tôi trông thấy cu con ếch cả. Bạn nào thấy vui lòng mô tả cho tôi được mở mang trí tuệ. Gớm thay cho cái chữ tình, phải chăng muôn loài bất kể người hay vật xưa nay đều lụy vì tình? Chúng nằm yên cho bắt. Phải bẻ xương đùi cho ếch khỏi nhảy rồi bỏ vô bao. Vì 1 năm chỉ có 1 lần nên không ai bỏ qua cơ hội, cả xóm chỉ con gái ở nhà. Từ trẻ con cho đến người lớn đều ra ruộng. Sáng hôm sau tiếng rao bán ếch vang vang đầu làng cuối xóm. Thịt ếch ăn rất ngon, giá lại rẻ hơn thịt gà. Nhà nào neo người không bắt được thì mua.

    Sạ xong, người ta chuẩn bị 1 mảnh đất nhỏ để gieo mạ Miếng đất gieo mạ phải cầy bừa, phân bón kỹ. Vì nhỏ nên không tốn công của bao nhiêu. Khoảng 3 tuần khi lúa ngoài ruộng đã xanh tươi và mạ đã dài khoảng 6 đến 8 '', người ta bắt đầu nhổ mạ bó thành từng bó vất rải rác ra ruộng để cấy dặm vào chỗ sạ bị sót. Không phải lo tưới nước, lúc này mưa đã đều. Dẫu nắng cả tuần cũng chả sao vì cây lúa đã mạnh . Cỏ bắt đầu mọc lai rai nhưng chỉ làm cỏ qua loa vài lần chờ nước ngập thì cỏ ngập nước sẽ chết. Vào tháng 8 khi ngớt mưa thì đã có nước lũ từ Kampuchia tràn về, cây lúa chỉ việc ngoi theo nước.

    Lúc này là lúc nghỉ việc đồng áng. Người siêng thì lo chèo xuồng giăng câu. Không có xuồng thì cắm câu đọc bờ kinh, hay lưu manh thì gỡ câu trộm của kẻ khác, chờ nước rút. Tháng 12 nước trên đồng đã rút. Những chỗ cao đã thấy khô tuy hầu hết vẫn còn lấp xấp nước. Việc gặt hái phải bắt đầu ngay. Nếu đợi cho nước rút hẳn, đất khô làm cho lúa mau chín rũ. Nếu gặt sớm quá bông lúa chưa chín rũ thì lúc phơi lúa sẽ quắt đi mất trọng lượng. Nếu gặt trễ còn khổ hơn vì khi cộ lúa về nhà, vì chín quá lúa sẽ rụng xuống ruộng nhiều. Ngoài việc thất thu, hạt lúa rụng xuống, khi cày bừa chuẩn bị cho mùa sau sẽ theo đất cày nằm sâu dưới đất trở thành lúa rung. Lúa rung chứ không phải lúa rụng. Lúa này khi có hạt chỉ đụng mạnh là rụng. Khi làm cỏ người ta triệt luôn lúa lưu cữu này . Vì đã nằm sẵn dưới đất từ trước, khi mưa xuống lúa rung mọc trước lúa sạ nên cao, to hơn dễ nhận thấy. Cộ lúa là 1 cái khung gỗ kéo bằng trâu. Lúa được bó bằng lạt tre chất lên khung. Trâu sẽ thay người kéo lúa trợt trên 2 thanh gỗ lớn tựa như cái sledge (xe trợt tuyết kéo bằng chó Bắc cực) bên Mỹ.

    Có 3 cách tuốt lúa. Cách cổ truyền là quây cót đập lúa bằng 2 thanh tre nhỏ cột vào nhau như côn nhị khúc của Lý Tiểu Long gọi là cái néo. Có câu già néo đứt dây là vì vậy. Cách thứ hai là chuẩn bị đất bằng phẳng, nên đất cho tới khi không còn khe nứt, sắp lúa vòng tròn rồi cho trâu kéo 1 trục lăn bằng bê tông đúc, gọi là trục lúa . Cách thứ ba là tuốt bằng máy tuốt lúa chạy bằng xăng. Nhà nào có máy tuốt có thể rủ anh em đi tuốt lúa mướn khi việc nhà đã xong. Lúc này nhà nhà có thể chuẩn bị đón tết, ăn chơi và nghỉ ngơi cho tới mùa đốt đồng tới.

    LÚA THẦN NÔNG

    Năm 1978 VN bắt đầu mở cuộc tiến công giải phóng Kampuchia. Lúc đó quân đội VN có số quân đông nhất Đông Nam Á với gần 40 sư đoàn bộ binh và hàng triệu người làm công tác yểm trợ Việc nuôi 1 số lượng người không sản xuất đông như thế dẫn đến nạn thiếu hụt thực phẩm.

    Ngoài những biện pháp như đặt trạm xét để ngăn chặn lúa gạo ra khỏi tỉnh nhà, nhà nước còn cổ động việc trồng trọt các hoa màu phụ như củ mì, khoai, bắp và 1 loại mễ cốc dành nuôi súc vật do Sô Viết viện trợ được gọi hoa mỹ là cao lương mà dân thường gọi là bo bo. Song song với những biện pháp ấy là khuyến khích làm lúa ngắn hạn gọi là lúa thần nông, thâu hoạch trong 1 thời hạn là 4 tháng.

    Gia đình nào muốn làm lúa thần nông được cấp xăng, phân bón, thuốc diệt sâu bọ . . . không phải trả tiền nhưng phải trả bằng lúa sau khi gặt hái. Dân ta thường bán xăng hay dùng xăng cho việc khác hơn là bơm nước vô ruộng nên sau khi trả lúa cho nhà nước thì chỉ còn lại đủ ăn, dư chút đỉnh bán ra ngoài chợ đen.

    Lúa thần nông đòi hỏi nhiều vốn vì không lệ thuộc vào nước mưa hay nước lũ tràn về. Cũng vì tốn kém cho nên người ta chỉ đắp bờ làm vài công đất chỗ gần nhà cho tiện, bước ra khỏi nhà là tới ruộng. Lúa thần nông thì cấy từng cọng mạ chứ không sạ như lúa mùa. Cây lúa lùn, cho ít hạt nhưng vì lượng phân bón cao cũng như nước bơm vào lúc nào cũng nhiều nên cây lúa chịu được mật độ cấy dầy mà không bị "cớm". Cớm là tình trạng thiếu ánh mặt trời, thiếu màu mỡ sinh ra do cấy quá dầy. Đã từng làm lúa sạ, khi nhìn bông lúa thần nông, ta không khỏi thất vọng. Bông chỉ lưa thưa vài hột. Tuy thế, 1 công lúa thần nông cho ra khoảng 20 giạ so với hơn 10 giạ từ ruộng sạ. Bù lại, lúa thần nông tốn nhiều công vì phải cấy hoàn toàn thửa ruộng, làm cỏ và be bờ vì cua xoi bờ thần nông làm hang làm nước rò rỉ. Đó là chưa kể đến số lượng xăng cho máy bơm, phân bón mà nếu đem bán chợ đen cũng có 1 món tiền đáng kể. Cũng có nhiều hộ sau khi chứng minh với uỷ ban nhân dân xã về miếng ruộng đã chuẩn bị bờ cõi và nhất là phải làm chủ 1 cái máy bơm nước, nộp đơn xin cấp phát xăng và phân bón, chỉ làm qua lúa lấy lệ, bán tất cả xăng nhớt, phân bón cho những hộ trồn hoa màu phụ vẫn đủ trang trải đủ số lúa mà xã quy định phải trả theo số lượng xăng và phân bón ứng trước. Nghĩa là tới mùa gặt, đổi xăng, phân bón lấy lúa. Không phải hộ nào cũng có điều kiện qua mặt nhà nước như thế vì không phải gia đình nào cũng có máy bơm. Khi ghe nhà nước thu mua lúa gạo, ngoài việc trả nợ xăng nhớt, phân bón, thuốc trừ sâu có thể bán thêm cho nhà nước đổi lấy bông phiếu mua hàng công thương chờ đến khi được thông báo hàng về đem bông phiếu đi lãnh. Đã có những cảnh du kích bắn nhau vì việc này. Vì mất mùa do lượng nước lũ quá cao và cũng vì thu mua lúa gạo quá nhiều để nuôi quân, các xã đói thường cho du kích trang bị súng ống qua xã khác thu mua lúa gạo, cũng cấp bông phiếu mua hàng công thương nhưng là phiếu giả mạo không có giá trị. Du kích xã nhà tổ chức phục kích chặn ghe du kích xã bạn rồi bắn nhau ầm ĩ như có giặc. Ta có thể liên tưởng đến bọn hải tặc hoành hành các tỉnh ven bể miền nam dưới thời Gia Long trong truyện của nhà văn Sơn Nam.
    Người dân sợ xanh mặt, lo tìm chỗ nấp vì tuy không dám bắn thẳng vào nhau nhưng bọn chúng không ngần ngại bắn vào dân. Bắn 1 đồng chí có thể lôi thôi to nhưng nếu dân bị lạc đạn chết, ráng chịu không kêu vào đâu được. Nhà nước không có luật. Như ta thấy, bọn du kích miền Nam và cả lực lượng Giải Phóng Miền Nam, một thời hùng mạnh với quân số gần 8 sư đoàn, chẳng bao lâu là bị giải tán. Một số lãnh đạo mặt trận Giải Phóng Miền Nam cũng theo chân dân vượt biên chạy sang nước ngoài tị nạn. Ngay đến cả hội cựu kháng chiến Miền Nam cũng bị loại ra ngoài vòng pháp luật. Có nhiều người vào tù vì hội họp bất hợp pháp. Miền Nam là của người chiến thắng chứ không còn là của miền Nam nữa, dù một thời đã là đồng chí.

    Năm 1978 để có thể dự trữ nước lũ nhằm giảm bớt việc dùng xăng cho máy bơm, nhà nước đưa 1 số kỹ sư ngoài Hà Nội có bằng cấp ở ngoại quốc đặt kế hoạch làm 1 bờ đê hình chữ M, chỗ trũng giữa chữ M dùng để chứa nước lũ. Đê chạy dài quanh lục tỉnh, có thiết kế các ống cống dẫn nước vô ruộng. Thanh niên nam nữ bị lùa đi đắp đất làm cái mương nổi này với thời hạn 1 tháng mang theo gạo và tiền bạc. Đến công trường, tất cả được phân tán tạm trú trong nhà dân địa phương. Du kích có nhiệm vụ gác dọc theo đường lộ phòng ngừa đám lao công bỏ trốn, mặt khác chặn xe đò cướp tôm cá, rau cải gọi là đóng thuế trút xuống đem về nuôi lao công. Biết bao con buôn sạt nghiệp vì lũ ăn cướp này. Mỗi người được phân chia như sau: đắp 1 mô đất cao 3 mét, dài 3 mét, bề đáy rộng 10 mét. Làm xong sớm về sớm, không xong có thể mướn người khác làm phụ cho mau. Đất khô dùng xà beng nậy những tảng đất lớn, chồng lên nhau cho khéo cho đủ kích thước giao phó, càng nhiều lỗ bọng càng khéo. Phải làm xong nghĩa vụ mới được về lo việc đồng áng ở nhà.

    Nước lũ tràn ngập 6 tỉnh bị giam hãm trong cái mương nổi như vậy chỉ chịu được nước đổ về có 1 ngày. Cả nước đói vẫn hoàn đói. Các ông kỹ sư Hà Nội tốt nghiệp ngoại quốc kiểu kỹ sư tốt nghiệp Liên Xô lỉnh mất không kèn không trống. Nhà nước lại quay sang việc cấp xăng và phân bón cho nhà nông làm lúa ngắn hạn. Vòng lẩn quẩn cứ thế kéo dài cho đến khi nhà nước túng thế phải mở cửa sau hơn 10 năm bế quan toả cảng.

    Đến nay VN đã phát triển tới mức … đứng hàng gần chót trên thế giới. Tuy không còn đói kém nhưng chủ yếu dân ta chỉ bán sức lao động chứ chưa đạt được những sản phẩm có tính cách kỹ thuật cao. Người dân mỗi khi nghe tin nhà nước định tiến lên chủ nghĩa xã hội là 1 lần lo dự trữ lúa gạo phòng đói. Bao giờ mới hết cảnh người bóc lột người?

    Metamorph



    Đò ngang

    Đi đâu cho thiếp theo cùng
    Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
    Ví dầu tình có dở dang
    Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp dìa.

  2. #2
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Hay quá. Mình mới vô Sài Gòn, biết một số ít về lịch sử miền Nam, giờ mình có thếm kiến thức nữa về miền nam ruột thịt.

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Đoạn này thấy hình như nhầm đâu ở bên Cambodia cùng thời đó hay sao ấy [IMG]images/smilies/21.gif[/IMG] Hoặc Meta xem mấy cái phim Vượt sóng vượt bão gì đấy gần đây mà viết sử thì phải [IMG]images/smilies/21.gif[/IMG] Tôi hồi nhỏ gia đình vào Nam , sống dưới Long Xuyên ở nhờ nhà ông cậu làm ruộng đến tận năm 7 tuổi , vẫn chưa nghe vụ này .


    Năm 1978 để có thể dự trữ nước lũ nhằm giảm bớt việc dùng xăng cho máy bơm, nhà nước đưa 1 số kỹ sư ngoài Hà Nội có bằng cấp ở ngoại quốc đặt kế hoạch làm 1 bờ đê hình chữ M, chỗ trũng giữa chữ M dùng để chứa nước lũ. Đê chạy dài quanh lục tỉnh, có thiết kế các ống cống dẫn nước vô ruộng. Thanh niên nam nữ bị lùa đi đắp đất làm cái mương nổi này với thời hạn 1 tháng mang theo gạo và tiền bạc. Đến công trường, tất cả được phân tán tạm trú trong nhà dân địa phương. Du kích có nhiệm vụ gác dọc theo đường lộ phòng ngừa đám lao công bỏ trốn, mặt khác chặn xe đò cướp tôm cá, rau cải gọi là đóng thuế trút xuống đem về nuôi lao công. Biết bao con buôn sạt nghiệp vì lũ ăn cướp này. Mỗi người được phân chia như sau: đắp 1 mô đất cao 3 mét, dài 3 mét, bề đáy rộng 10 mét. Làm xong sớm về sớm, không xong có thể mướn người khác làm phụ cho mau. Đất khô dùng xà beng nậy những tảng đất lớn, chồng lên nhau cho khéo cho đủ kích thước giao phó, càng nhiều lỗ bọng càng khéo. Phải làm xong nghĩa vụ mới được về lo việc đồng áng ở nhà.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Trích dẫn Gửi bởi metamorph
    Năm 1978 VN bắt đầu mở cuộc xâm lăng Kampuchia.
    Đoạn này là sao vậy ? VN đem quân giúp Campuchia chống diệt chủng Khơme Đỏ theo lời đề nghị từ phía Campuchia,với tinh thần " giúp bạn cũng như giúp mình [IMG]images/smilies/24.gif[/IMG] " chứ không phải là xâm lăng meta à.
    Bài của Meta toàn nói về ruộng đất miền Tây chứ có phải cả miền Nam đâu.

  5. #5
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Đề nghị bé morph đọc quyển Miền Nam sau năm 1945 của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện nha (quyển này ông hoàn thành khi vẫn còn ở Pháp và dựa vào toàn dẫn chứng của các báo quốc tế thôi không có tí nào của VN đâu). Ở đó bé sẽ thấy chả có tí nào miền Nam thơ mộng của bé cả [IMG]images/smilies/71.gif[/IMG]

  6. #6
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Nếu VN lâm lăng Campodia thì tại sao chính quyền Cam chống lại cuộc xâm lăng đó lại bị đưa ra tòa án và bị sử về tội diệt chủng [IMG]images/smilies/35.gif[/IMG].

    Trích dẫn Gửi bởi pnm
    Hay quá. Mình mới vô Sài Gòn, biết một số ít về lịch sử miền Nam, giờ mình có thếm kiến thức nữa về miền nam ruột thịt.
    Đọc kỹ lại đi, nhất là đoạn dưới, toàn là xiên xỏ VNCS [IMG]images/smilies/24.gif[/IMG].

  7. #7
    Ngày tham gia
    Mar 2016
    Bài viết
    0
    Tư liệu gì thì tư liệu, tư liệu của meta không đáng đọc [IMG]images/smilies/24.gif[/IMG][IMG]images/smilies/24.gif[/IMG][IMG]images/smilies/24.gif[/IMG]

  8. #8
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Nếu không phải tớ đang bận thi thì thể nào bài của meta cũng đọc hết từ đầu đến cuối, chả mấy khi trên 4r này có chuyện cười [IMG]images/smilies/21.gif[/IMG]

  9. #9
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Híc , Việt Nam mà hiểu là "Cộng Sản Việt Nam" thì trong đầu của những bạn kém may mắn như Meta , không những "xâm lăng" Cambodia mà "xâm lăng" cả miền Nam nữa .

    Tuy nhiên, e hèm , Mỹ "giải phóng" Iraq , Afganistan , Nam Tư , Panama, Nicaragoa , Honduras ... vân vân và vân vân ...

  10. #10
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Mỹ "giải phóng" Iraq , Afganistan , Nam Tư , Panama, Nicaragoa , Honduras ... vân vân và vân vân ...
    Lại chẳng [IMG]images/smilies/65.gif[/IMG]

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •